(HNM) - Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang xảy ra ở một số địa phương và cơ sở y tế khiến người dân lo lắng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, các loại dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, adeno virus… có nguy cơ bùng phát, việc thiếu thuốc sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi khám, chữa bệnh.
Điều đáng nói, nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được ngành Y tế chỉ rõ do yếu tố chủ quan là chính. Đó là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm…
Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” của dịch bệnh hiện nay, việc chú trọng, tiếp tục đầu tư để ngành Y phát triển là hết sức cần thiết; không để trụ cột an sinh này bị ảnh hưởng chỉ vì thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và thường xuyên có chỉ đạo quan trọng. Gần đây, tại Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 19-9-2022 về kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 ở phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo với các địa phương (diễn ra ngày 13-9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ; dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.
Đặc biệt, trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20-9-2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định về mua sắm, đấu thầu để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Thực hiện chỉ đạo trên, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, sửa đổi, ban hành, trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, cần rà soát cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn trong triển khai thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, kết nối, công khai thông tin về đấu thầu; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Ngành Y tế cùng các ngành liên quan cũng cần kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện những quy định liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tạo sự yên tâm cho người thực thi công vụ, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.