(HNMO) - Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn, tập trung trả lời các vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm như: lộ trình xóa độc quyền trong điện lực và xăng dầu; sự an toàn của các công trình thủy điện.
Ngành Điện đang có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) về kế hoạch cụ thể để rút ngắn lộ trình, xóa bỏ độc quyền của ngành xăng dầu và điện lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, muốn làm được cần phải có một lộ trình cụ thể. Bởi đây là 2 lĩnh vực quan trọng của đất nước, liên quan đến an ninh năng lượng của quốc gia.
Đối với ngành Điện, Bộ trưởng thừa nhận, ngành đang có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện Chính phủ và ngành Công thương đã xây dựng lộ trình xóa bỏ độc quyền. Từ 1/7/2012, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ chính thức khởi động việc tự do cạnh tranh giữa các nhà máy điện, tới năm 2022 sẽ thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Theo Bộ trưởng, việc thực hiện cần chia theo lộ trình và có những bước đi thận trọng bởi thị trường điện đối với nước ta là mới mẻ, việc chuyển từ cơ chế tập trung trước đây sang cơ chế thị trường cần có thời gian để hoàn chỉnh.
Chưa thỏa mãn với nội dung trả lời, đại biểu Bùi Mạnh Hùng tiếp tục chất vấn “lộ trình xóa bỏ độc quyền càng để dài sẽ càng khó khăn”. Theo đại biểu trong Dự thảo về Luật Điện lực chưa có điều khoản nào đề cập xóa bỏ độc quyền mà chỉ nói tới quy hoạch và giá điện. Dẫn chứng ngành Bưu chính Viễn thông cũng là một ngành quan trọng, từng độc quyền nhưng với quyết tâm chúng ta đã xóa bỏ được, đặt câu hỏi “Phải chăng Bộ thiếu tâm huyết và nhiệt tình với nhân dân”, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nâng cao trách nhiệm trước dân để rút ngắn lộ trình này.
Nhận trách nhiệm trước Quốc hội và hứa sẽ làm hết trách nhiệm trong rút ngắn lộ trình xóa bỏ độc quyền giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đang có những giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường điện và xóa bỏ độc quyền điện không chỉ nằm trong Luật Điện lực, không chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ mà còn nằm trong nhiều văn bản, nhất là đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng nói, giá xăng dầu có tác động của lợi ích nhóm hay không. Có ý kiến cho rằng Bộ không chủ động trong điều hành giá xăng dầu, có dư luận mới làm. Chậm một ngày, doanh nghiệp thu tiền tỷ trong khi người tiêu dùng thiệt nặng. Mặt khác, việc điều hành giá xăng dầu giữa 2 Bộ: Công thương và Tài chính như thế nào?
Bộ trưởng cho biết, giá xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghi định 84. Thừa nhận có việc tăng, giảm giá chưa kịp thời, tăng thì tương đối mà giảm thì có mức độ. Bộ trưởng cho biết sau 2 năm vận hành theo Nghị định 84, Chính phủ đang xem xét, nghiên cứu lại quỹ bình ổn giá xăng dầu, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp; chu kỳ tăng, giảm giá.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, trách nhiệm điều hành xăng dầu là chung. Khi tham mưu Chính phủ, ý kiến là đồng nhất. "Tôi khẳng định là 2 bộ không có ý kiến khác nhau. Nếu có gì thì cũng chỉ là ý kiến ở hội thảo, không phải chính thức. Về lợi ích nhóm, có 12 DN đầu mối, thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì một nhóm nào. Thế nên, chưa có đủ cơ sở để khẳng định có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ nay đến cuối năm, sẽ rà soát toàn bộ các nhà máy thủy điện
Những nội dung liên quan tới sự an toàn của các nhà máy thủy điện, việc giải quyết những hệ lụy do phát triển thủy điện ồ ạt thời gian qua đã chiếm phần lớn câu hỏi dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn. Các đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định): Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), Nguyễn Văn Ninh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ và xem xét lại thận trọng những tác động của việc phát triển thủy điện. Đồng thời, đưa ra giải pháp để việc quản lý thủy điện đạt hiệu quả.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết câu chuyện phát triển thủy điện đã và luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Đã nhiều lần bộ có báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề này. Ở Việt Nam, với hệ thống sông suối nhiều, chức năng thủy điện lớn, việc triển khai các công trình thủy điện là quan trọng. Các công trình thủy điện đã phát huy được yêu cầu chống lũ, cấp nước, phát điện. Việt Nam đang dần trở thành nước nhập khẩu năng lượng, nếu khai thác và sử dụng thủy điện đúng mục đích sẽ đạt hiệu quả cao. Khẳng định về cơ bản những công trình thủy điện đã và đang triển khai đều dựa trên quy hoạch được duyêt, Bộ trưởng cho biết, cả nước hiện có 1097 thủy điện với công suất 24 nghìn MW. Các nhà máy điện đi vào hoạt động hiện chiếm 40% công suất theo quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều tiêu cực như làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng môi sinh môi trường, vướng mắc trong thực hiện đền bù tái định cư. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các bộ, ngành là cần tìm ra giải pháp để phát huy được mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực ảnh hưởng tới phát triển KTXH và đời sống của nhân dân.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, qua khảo sát tại miền Trung, đã loại bỏ 52 công trình, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục kiểm tra để loại bỏ các công trình không đạt yêu cầu. Bộ trưởng cũng đề cập các giải pháp để quy hoạch thủy điện trong thời gian tới. Đó là yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình xây dựng và vận hành phải tuân thủ các quy định phát điện, phòng lũ, cấp nước, thực hiện quy trình điều tiết các hồ chứa đã được quy định. Bộ trưởng nhấn mạnh, quan trọng nhất, các chủ dự án phải tuân thủ các quy định. Khi lấy 1ha rừng làm thủy điện phải trồng trả lại như vậy, nhưng việc tìm quỹ đất để trồng lại rừng đã mất đang gặp khó khăn vì nó thuộc thẩm quyền các địa phương. Chủ đầu tư cần thực hiện tốt việc di dân tái định cư. Vừa qua, bên cạnh nhiều công trình làm tốt vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện được, không nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ và địa phương về đền bù. Biện pháp cuối cùng là kiểm tra về thiết kế, vận hành, nếu phát hiện sai sót sẽ kiên quyết dừng.
Riêng thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo để các bộ đưa ra giải pháp thực hiện. Phương pháp bê tông đầm lăn, có ưu điểm là đổ liên tục, hiện có 12 thủy điện trong cả nước sử dụng phương pháp này trong đó có Sơn La. Bộ trưởng nhận định, chất lượng công trình đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói không an toàn, trách nhiệm là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng.
Làm rõ thêm về vấn đề thủy điện Sông Tranh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Với thủy điện Sông Tranh 2, cá nhân tôi khẳng định đập là an toàn. Thiết kế an toàn. Nền địa chất là đá. Cuối cùng là thi công. Đập đã tích nước và rò rỉ sau 4 tháng. Đây là “hiện tượng thấm nước” chứ chưa thể nói là “sự cố”. Chúng ta khắc phục trước mùa lũ và có tư vấn nước ngoài giám sát xem an toàn chưa. Hiện tượng thấm ở các thủy điện thi công đầm lăn trên thế giới là nhiều. Người ta đều khắc phục được và chưa có công trình nào xảy ra sự cố".
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chống độc quyền ngành Điện là vấn đề Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Các bộ, ngành liên quan tham gia tích cực, không có chuyện lơi lỏng, thiếu trách nhiệm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lộ trình với các bước cụ thể. Tuy vậy, do tính phức tạp, Thủ tướng yêu cầu làm thận trọng. Bởi yêu cầu cơ bản là đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng cao và tính lành mạnh của thị trường, không gây hỗn loạn thị trường. Cùng với đó, là xây dựng các quy định pháp luật liên quan. Đối với từng bước, đều phải có thử nghiệm. Sau đó có đánh giá, nếu tốt rồi mới chuyển sang bước mới. Dự kiến, Chính phủ sẽ chỉ quyết định khung giá bán lẻ. Nếu không tiến tới giá điện theo thị trường thì không thể thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thời gian qua có chậm là do phải thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới. Đa số các doanh nghiệp trong ngành Điện gặp khó khăn về tài chính do biến động về vĩ mô. Riêng với EVN, khoản phát sinh từ chênh lệch tỷ giá đã lên tới 25.000 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ thường xuyên báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.