(HNM) - Ngày 25-2, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 21 chương, 316 điều. So với Luật Tố tụng hành chính hiện hành, dự án giữ nguyên 131 điều; sửa đổi, bổ sung 134 điều và thêm 51 điều mới. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Ban soạn thảo quy định: Tòa án có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của tòa án; cơ quan thi hành án dân sự phải đôn đốc việc thi hành theo đúng nội dung của bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp đã được cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc mà người phải thi hành án không hợp tác thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành lập biên bản, gửi cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình khẳng định: Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính đối với những khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính có mức xử phạt thấp, có tình tiết đơn giản, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng... Với các khiếu kiện hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND hoặc chủ tịch UBND cấp huyện không nên giao Tòa án cấp huyện giải quyết mà cần chuyển đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết loại khiếu kiện này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.