Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc TP

Đà Đông| 25/04/2013 10:25

(HNMO) - Sáng nay (25-4), Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội...



Dự và tiếp Đoàn về phía thành phố có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, năm 2012, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%- thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra và mức tăng cùng kỳ của các năm trước nhưng cao gấp 1,55 lần so với mức tăng của cả nước. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cơ quan thuế, thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán 146.331 tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán Chính phủ giao. Chi ngân sách địa phương bằng 101,4% Chính phủ giao, bảo đảm các khỏan chi thường xuyên và đầu tư phát triển của thành phố.

Đáng chú ý, bước sang quý I/2013, kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô đã bước đầu khởi sắc, có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,5% (cao hơn mức 7,3% so với quý I/ 2012). Ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng và có mức tăng cao hơn cùng kỳ. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 11,6%, tổng mức bán lẻ tăng 11,5%. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá, mức tăng thực tế đạt khoảng 5%, cao hơn mức tăng thực tế khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên còn thấp hơn nhiều so với mức tương ứng các năm trước.

Các chỉ tiêu về kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều tăng và tăng ở tất cả các thành phần kinh tế. Xuất khẩu đạt 2.440 triệu USD, tăng 0,3%. Nhập khẩu đạt 5.355 triệu USD, tăng 2,9%. Hoạt động du lịch cũng tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng đáng kế, trong đó tổng tượng khách quốc tế lưu trú ước đạt 2,7 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2-2013. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm. Quý I năm nay, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo 15 nghìn lượt người; Đã cho vay giải quyết việc làm cho 160 dự án với số vốn 20 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng 5890 lao động. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, so sức mua thị trường giảm, vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hạn chế, công nghiệp trên địa bàn tăng thấp hơn mức tương ứng so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều dự án đầu tư xây dựng giãn tiến độ hoặc tạm dừng. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng giảm 3,45% so với tháng 12/2012. Do doanh nghiệp thu hẹp đầu tư và sản xuất kinh doanh, dư nợ cho vay có xu hướng giảm. Nợ xấu đến ngày 28-2 cao hơn so với tháng 12-2012.

Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật đầu tư công để phân định rõ ranh giới giữa đầu tư công và đầu tư xã hội nhằm huy động các nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Sớm xem xét sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng không ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp. Sớm xem xét ban hành Luật Phá sản doanh nghiệp mới (sửa đổi). Đối với Luật Đất đai cần tập trung sửa đổi một số chính sách về giao đất nông nghiệp, chính sách tạo quỹ đất của nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội. Trong điều kiện trượt giá như hiện nay, Hà Nội đề nghị Quốc hội điều chỉnh quy mô vốn của các dự án cần xin chủ trương của Quốc hội tăng lên để Chính phủ chủ động điều hành. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ không giao số chi ngân sách địa phương hằng năm cho giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ bằng con số tuyệt đối như hiện nay để bảo đảm tính hợp lý và tăng chủ động cho địa phương trong thực hiện. Để bảo đảm công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và công tác sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc thành phố giai đoạn 2013-2015 đạt kết quả, thành phố đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Hà Nội thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc thành phố để thực hiện thống nhất, có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp...

Ghi nhận, chia sẻ những kết quả Hà Nội đã đạt được, tại buổi làm việc nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại và đề nghị làm rõ nguyên nhân sụt giảm về chỉ số cạnh tranh của Hà Nội, tỷ lệ nhập siêu vẫn tăng ở mức cao.;Tái cơ cấu đầu tư công và vai trò của nhà nước trong triển khai thực hiện. Các vấn đề liên quan tới giải quyết việc làm cho người lao động, giải cứu thị trường bất động sản, xây dựng nông thôn mới cũng là các nội dung được quan tâm trao đổi làm rõ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc TP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.