Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị tăng nặng mức phạt để chống “nhờn” luật

Tuấn Lương| 01/08/2012 06:33

(HNM) - Ngày 31-7, UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay.

Hàng loạt vướng mắc, bất cập đã được lãnh đạo TP và các sở, ngành chỉ rõ và đề nghị sớm được sửa đổi như: tăng mức xử phạt với các đối tượng chống người thi hành công vụ và lạng lách, đua xe; điều chỉnh khung phạt đối với các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh cho phù hợp với thực tiễn; hướng dẫn cụ thể phương án xử lý đối với xe bị xử phạt lưu kho bãi mà chủ xe không đến nhận…

Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Như Ý

Đã xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong 3 năm từ 2009 đến 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn Thủ đô tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp. Năm 2009, toàn TP xảy ra 1.207 vụ TNGT, làm chết 865 người, bị thương 531 người; năm 2010 xảy ra 1.109 vụ, làm chết 807 người, bị thương 478 người; năm 2011 xảy ra 1.027 vụ, làm chết 749 người, bị thương 443 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 xảy ra 415 vụ, làm chết 312 người, bị thương 213 người. Cũng trong khoảng thời gian kể trên, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 2,7 triệu trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, phạt hơn 558,6 tỷ đồng, tạm giữ 91.751 phương tiện. Đối với giao thông đường thủy, đã có 13.905 trường hợp vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt 9,28 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của TP, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự ATGT, góp phần làm giảm ùn tắc và TNGT, lập lại trật tự đô thị trên các tuyến phố. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã tập trung đúng đối tượng, đúng hành vi, do đó đã có tác dụng giáo dục, răn đe đối tượng vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông… Đặc biệt, mô hình Tổ công tác 141 của Công an TP đã phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở Thủ đô, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạng lách, đua xe trái phép. Chính phủ đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các tỉnh, TP lớn khác.

Nhưng vẫn vướng và thiếu

Đã xử phạt nhiều, xử lý nghiêm nhưng tại sao tình trạng vi phạm pháp luật giao thông, vượt đèn đỏ và đặc biệt là lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán vẫn còn khá phổ biến? Đó là câu hỏi được các thành viên Đoàn giám sát nêu ra với các cơ quan chức năng của Hà Nội. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi thừa nhận: Vi phạm giao thông còn nhiều là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Trước đây vi phạm chỉ diễn ra nhiều trong giờ cao điểm, nhưng nay có thể thấy ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nếu vắng bóng lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, xử lý các đối tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Để phục vụ tốt cho công tác quản lý giao thông, TP đang đầu tư trung tâm điều khiển giao thông với khoảng 200 camera bố trí khắp địa bàn các quận. TP cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phải tăng cường hơn nữa, sâu sát hơn nữa việc quản lý địa bàn.

Từ thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP kiến nghị, TP sớm đầu tư thiết bị công nghệ cho lực lượng CSGT để phạt "nguội" đối tượng vi phạm qua hình ảnh, vừa tăng sức răn đe, vừa giúp giảm khối lượng công việc cho cán bộ, chiến sĩ làm việc trên đường; đồng thời cho phép CSGT xử phạt và xé biên lai tại chỗ, giảm thủ tục, phiền hà cho người dân. Chuyện xử lý xe vi phạm hiện cũng rất phức tạp. Nhiều trường hợp tổng số tiền phạt và tiền lưu kho bãi còn cao hơn trị giá của xe nên người dân không đến lấy xe nữa. Xử lý một xe vi phạm rất phiền toái, kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Xe không có giấy tờ phải tra cứu số khung, số máy rồi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó thành lập hội đồng xử lý tang vật. Cả TP đang tồn đọng hàng vạn xe như vậy, trong khi đó kho bãi thì phải đi thuê. Như vậy rất lãng phí cho xã hội.

Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội băn khoăn: Nhiều mức phạt theo Nghị định 34/NĐ-CP chưa phù hợp. Mức phạt chỉ 4 triệu đồng/trường hợp đối với hành vi chống người thi hành công vụ và 1,4 triệu đồng cộng với hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người tham gia giao thông là quá thấp. Do đó, số vụ chống người thi hành công vụ không hề giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, chứng tỏ sự "nhờn" luật. Thống kê cho thấy, trong 3 năm từ 2009 đến 2011 xảy ra 132 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 xảy ra 20 vụ. Vấn đề đua xe trái phép, Hà Nội đã nhiều lần đề nghị cho phép tịch thu tang vật nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Một vấn đề bức xúc cũng cần sửa đổi nữa là việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh - một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông. Nghị định 34/NĐ-CP quy định khung phạt đối với hành vi này từ 20-30 triệu đồng, nhưng các trường hợp buôn bán nhỏ, "buôn thúng bán bưng", mức phạt này liệu có phù hợp với thực tiễn?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị tăng nặng mức phạt để chống “nhờn” luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.