Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị kích cầu tiêu dùng

Đặng Loan| 23/06/2012 07:26

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Hồ Chí Minh trong tháng 6 đã giảm 0,43% so với tháng 5 - lần giảm đầu tiên sau 21 tháng liên tục tăng. CPI giảm là điều đáng mừng, tuy nhiên nó cũng phản ánh khó khăn của nền kinh tế khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua của thị trường giảm, tiêu thụ hàng hóa khó khăn buộc doanh nghiệp (DN) phải giảm giá để bán được hàng tồn kho.

CPI giảm phản ánh sức mua của thị trường kém.

Lãi ít để bán được nhiều hàng

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP, từ đầu năm đến nay thì CPI tháng sau luôn có mức tăng thấp hơn tháng trước. CPI tháng 6 giảm 0,43% so với tháng 5; trước đó CPI tháng 5 tăng 0,06%, là tháng tăng thấp nhất trong vòng 20 tháng liên tục (CPI tháng 4 tăng 0,08%; CPI tháng 3 tăng 0,12%; CPI tháng 2 tăng 1,32%...).

CPI giảm, bên cạnh điều đáng mừng là sự quan ngại sức tiêu thụ của nền kinh tế giảm. Việc người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" khiến DN phải giảm giá để bán được hàng tồn kho. Tình trạng giảm giá có ở hầu khắp các con đường của TP, đặc biệt là các mặt hàng thời trang, tiêu dùng. Giới kinh doanh luôn tìm ra các lý do như ngày lễ, xả hàng tồn kho, thanh lý cửa hàng... để giảm giá 50-70%, "mua 1 tặng 1", giảm giá "cực sốc", "cực rẻ"… nhằm lôi kéo người mua. Không chỉ các cửa hàng bán buôn bán lẻ mà các nhãn hiệu nổi tiếng cũng giảm giá rầm rộ. Chị Thanh Lan, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Cách mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) than thở, sức tiêu thụ giảm đến 50% nên phải giảm giá, chấp nhận bớt lãi để mong bán được hàng tồn chất đống trong kho. Nhiều tiểu thương ở các chợ cũng chấp nhận bán thấp hơn giá ghi trên sản phẩm, chỉ hưởng chiết khấu của nhà sản xuất.

Không chỉ sức tiêu thụ hàng xa xỉ, thời trang giảm mà cả các mặt hàng thiết yếu cũng phải tung ra nhiều chiêu khuyến mãi để mong tăng doanh thu. Các siêu thị liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn để thu hút khách. Từ ngày 4 đến 24-6, Saigon Co.opMart tung ra tháng "Tiêu dùng xanh 2012" với 1.000 mặt hàng khuyến mãi đến 49% cùng nhiều ưu đãi khác. Ngày 25-6, Co.opMart sẽ tiếp tục tung ra 3 chương trình khuyến mãi đến ngày 8-7, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, với hơn 500 sản phẩm giảm giá lên đến 45%. Hệ thống BigC vừa hết các đợt khuyến mãi trước cũng tung ra hai chương trình "Bán lẻ rẻ như bán buôn" và "Wah! Chất lượng giá rẻ!" với hơn 1.200 mặt hàng có mức giảm giá 5-50% và nhiều quà tặng thiết thực cho khách hàng từ ngày 18-6 đến 1-7…

Kiến nghị kích cầu tiêu dùng

Sức mua giảm khiến nhiều DN rơi vào khó khăn vì nó tác động tiêu cực đến hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm, khiến hàng hóa bị tồn kho và DN sản xuất cầm chừng. Ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 5 thép thành phẩm tồn kho tăng thêm 65.000 tấn, thành 320.000 tấn. Vì vậy mà lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 5 giảm 50.000 tấn, chỉ còn 410.000 tấn. Hàng không bán được, phải tìm cách hạ giá thành nhưng chi phí sản xuất tăng khiến các DN ngành thép đang lao đao. Còn ông Châu Nhựt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ cho biết, giá gà, vịt trong 2-3 tháng trở lại đây giảm khoảng 15% so với cùng kỳ. Tình trạng giá thịt lợn hơi, gà, vịt xuống thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi không giảm đang khiến người chăn nuôi lỗ, tình trạng bỏ chuồng diễn ra rất phổ biến, cụ thể là số lượng người nuôi vịt đã giảm hơn 50% so với trước.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, tốc độ lạm phát giảm khá mạnh bên cạnh mặt tích cực cũng có những yếu tố không mong muốn như tổng cầu toàn xã hội giảm, sức mua thị trường trong nước, nhất là sức mua các yếu tố phục vụ sản xuất giảm, hàng tồn kho gây áp lực giảm giá… sẽ tiếp tục tác động mạnh đến giá cả các mặt hàng trong quý tới và cả năm 2012. Sức mua giảm, DN khó khăn phải sản xuất cầm chừng; trong khi đó tăng trưởng GDP quý I chỉ 4% so với cùng kỳ là những tín hiệu có thể đẩy nền kinh tế rơi vào giảm phát. Chính vì vậy, việc vực dậy thị trường và tháo gỡ khó khăn cho DN cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa để chặn nguy cơ này. Không chỉ giảm lãi suất ngân hàng mà Nhà nước còn phải giảm chi phí đầu vào cho DN để giảm chi phí sản xuất, DN bán được hàng hóa mình sản xuất ra, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần tạo gói kích cầu tiêu dùng đối với những mặt hàng DN sản xuất trong nước nhằm kích thích sức mua, giải quyết hàng tồn kho cho DN, không để nền kinh tế rơi vào giảm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị kích cầu tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.