Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên định mục tiêu chống “đô la hóa”

Hương Ly| 08/07/2014 06:51

(HNM) - Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng 10,51%, trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 0,68%.



Biến động theo chiều hướng giảm của giá vàng và sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và tiền đồng đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều về thị trường vàng, ngoại tệ những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong ngắn hạn vẫn có khả năng phục hồi; đồng thời việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Khách hàng mua bán vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Như Ý


Giá vàng, tỷ giá đồng loạt giảm

Thông tin về việc giá vàng thế giới quay đầu giảm đã nhanh chóng tác động tới thị trường vàng trong nước. Đầu giờ sáng 7-7, giá vàng SJC ở mức 36,80 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 5-7. Tại Công ty Vàng bạc đá quý (VBĐQ) Sài Gòn, giá mua, bán vàng lần lượt ở mức 36,76 triệu đồng/lượng và 36,82 triệu đồng/lượng. 10h sáng, giá giảm tiếp 20.000 đồng/lượng. Thời điểm này, Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua vào 36,71 triệu đồng/ lượng, giá bán ra 36,76 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC mua vào - bán ra tại Công ty VBĐQ Sài Gòn lần lượt là 36,66-36,78 triệu đồng/lượng. Đến 14h, giá vàng SJC tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được Tập đoàn VBĐQ DOJI mua vào, bán ra lần lượt là 36,69 triệu đồng/lượng và 36,74 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 36,64 triệu đồng/lượng và 36,76 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng SJC tại hai thành phố lớn đã điều chỉnh giảm tới 60.000-80.000 đồng/lượng.

Diễn biến trên thị trường thế giới những phiên gần đây cũng theo xu hướng giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 6-7, giá vàng giao ngay giảm 3 USD/ounce từ mức 1.320 USD/ounce xuống còn 1.316 USD/ounce trên sàn Kitco. Giá vàng hợp đồng giao tháng 8 giảm tương đương 2 USD/ounce về mức 1.319 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện nay, giá thế giới ở mức 33,72 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 3,08 triệu đồng/lượng.

Thị trường ngoại tệ những ngày gần đây cũng có những biến động. Theo thông báo của NHNN, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 7-7 giữ nguyên ở mức 21.246 đồng/USD. Tỷ giá trần của các ngân hàng thương mại là 21.330 đồng/USD. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ giá mua - bán USD, một số lại giữ nguyên mức giá giao dịch so với cuối tuần qua. Cụ thể, Eximbank, ACB giảm 10 đồng/USD về mức 21.240 - 21.310 đồng/USD. Vietcombank, BIDV giữ nguyên ở mức 21.270 - 21.320 đồng/USD… Ngoài việc giá ngoại tệ giảm nhẹ, sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và tiền đồng những tháng đầu năm cũng đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng 10,51% trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 0,68%. Nhiều ý kiến cho rằng sự chênh lệch này về lâu dài sẽ tạo ra những hệ lụy xấu cho thị trường tiền tệ và đẩy mạnh tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế.

Thị trường tín dụng được kiểm soát chặt chẽ

Đó là khẳng định của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) về tình hình tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm sau khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và một số chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng ngoại tệ cho vay tăng mạnh trong khi nguồn huy động giảm.

Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, 6 tháng đầu năm 2014, khi tín dụng tăng trưởng thấp, NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ, qua đó góp phần tăng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối tháng 5-2014, ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%. Điều đó cho thấy, nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5-2014 khó có thể tăng được 1,51%. Việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Những tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiền đồng để có những điều chỉnh phù hợp. Mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống "đô la hóa" trong nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp, công cụ điều hành để đạt được mục tiêu nêu trên. Đồng quan điểm này, một số chuyên gia tài chính cho rằng, mức tăng tín dụng ngoại tệ 6 tháng qua cũng không cần quá lo lắng. Bởi trong bối cảnh tín dụng tiền đồng ngưng trệ thì việc tín dụng ngoại tệ tăng khá cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Nhận định về diễn biến giá vàng trong ngắn hạn, chuyên trang phân tích về giá vàng Kitco News đã công bố kết quả cuộc khảo sát về giá vàng mới thực hiện. Trong 18 người trả lời khảo sát, bao gồm thương nhân, ngân hàng đầu tư, thương nhân buôn bán kỳ hạn và các nhà phân tích biểu đồ kỹ thuật, có 7 người nhận định giá vàng sẽ tăng, 8 người dự đoán giá giảm và 3 người cho rằng giá đi ngang. Những người nhận định giá vàng trong ngắn hạn sẽ tăng cho biết, vàng vẫn có sự hậu thuẫn để vượt ngưỡng 1.305 USD/ounce mặc dù giá kim loại này đã giảm xuống mức thấp nhất cuối tuần qua. Một số chuyên gia kinh doanh cũng cho rằng, xu hướng giá vàng giao tháng 8 vẫn tăng trên biểu đồ hằng tuần và mục tiêu giá sắp tới mà giá vàng đạt được sẽ là 1.341,5 USD/ounce. Tuy nhiên, cũng có tới 8 ý kiến cho rằng những tin tức tích cực về việc kinh tế phục hồi sẽ cản đà tăng trở lại của giá vàng… Vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng trước khi quyết định giao dịch kim loại quý này để tránh những tổn thất không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định mục tiêu chống “đô la hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.