Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra một số thông tin báo nêu về tình trạng khai thác vàng làm biến dạng dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước, tình trạng phá rừng và chiếm đất công. Theo báo phản ánh, những sự việc này diễn ra ở tỉnh Cao Bằng, tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum và tỉnh Long An.
* Báo Lao Độngra ngày 23 và 24/3/2010 đăng loạt bài “Bạc mặt vì …có vàng” phản ánh tình trạng khai thác vàng có phép và không có phép đang làm biến dạng dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước trên sông Bằng, sông Hiến, tỉnh Cao Bằng. Các dòng sông này vốn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho 5 vạn dân của thị xã Cao Bằng.
Theo bài báo, tỉnh Cao Bằng đã biết sự việc nên đã thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nhưng đến nay tình trạng khai thác vàng trên địa bàn này vẫn diễn biến phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước và phát sinh các tệ nạn xã hội.
Về vần đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng kiểm tra sự việc báo nêu, nếu đúng phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
* Báo Công an TP.HCM từ ngày 23 đến 24/3/2010 đăng loạt bài “Đi tìm 70 gã “người rừng” phản ánh một thực trạng đáng buồn là lực lượng thanh niên ở làng Yon, xã Iakhai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai không có việc làm (do việc xây dựng thủy điện Sê San làm mất một phần lớn diện tích đất canh tác của người dân) đã nghe theo kẻ xấu đi phá rừng và liên tục tồ chức các cuộc gây rối, chống lại các lực lượng chức năng.
Chỉ tính từ khi chính quyền địa phương cho phép tận thu gỗ tại khu vực lòng hồ Sê San 3, đã có tới hàng trăm hécta rừng bị những kẻ này tán phá không thương tiếc. Không chỉ có vậy, hàng ngày số thanh niên trên và người dân ở làng Yon còn vượt hồ sang địa bàn xã Morai (Kon Tum) để phá rừng.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum kiểm tra sự việc báo nêu, nếu đúng phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những người vi phạm.
* Trên Báo Người Lao Động số ra ngày 23/3 có đăng bài “Cùng nhau chiếm đất công” phản ánh năm 1994, UBND huyện Tân Hưng xin UBND tỉnh Long An cắt 400 ha đất trong vùng đệm Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, thuộc hai xã Vĩnh Châu A và Vĩnh Lợi làm quỹ đất công của huyện để sử dụng vào mục đích tái định cư, bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất. Sau đó, UBND huyện Tân Hưng đã cắt 332,5 ha cho 238 cán bộ “mượn” trong thời hạn 10 năm (từ 1997-2007). Khi hết hạn, huyện Tân Hưng chuyển sang cho số cán bộ này thuê với giá 700.000 đồng/ha/năm. Phần lớn những cán bộ được thuê đất đã cho người dân địa phương thuê lại với giá cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, UBND huyện Tân Hưng còn âm thầm cấp quyền sử dụng đất cho nhiều cán bộ chủ chốt đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác về tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Long An kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp thu hồi đất, xử lý nghiêm các vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.