(HNMO) - Sau thời khắc chuyển giao năm mới đầy ý nghĩa, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là cơ hội để cùng bạn bè và người thân có những chuyến du lịch đáng nhớ...
Để yên tâm cầm lái trước một hành trình dài, dưới đây là những khía cạnh của chiếc xe mà mỗi chủ nhân đều có thể kiểm tra nhanh trước khi khởi hành để tránh luôn phải luẩn quẩn với những suy nghĩ bất an trong suốt chuyến đi.
1. Đọc kĩ Hướng dẫn sử dụng trước khi lái
Là thứ thường bị chủ xe lãng quên, sách hướng dẫn sử dụng thường có đủ mọi thông tin cần thiết vận hành, thậm chí cứu hộ xe trong các tình huống. Một số thông tin quan trọng cần lưu tâm như: Cách thay lốp khẩn cấp, vị trí các dụng cụ cứu hộ, cách thay bóng đèn… Nhiều tính năng tiện nghi và thao tác cầm lái cũng thường được nêu rõ và hữu ích trên các cung di chuyển dài.
Lưu ý rằng, một số xe đời mới có thể chỉ đi kèm sách hướng dẫn sử dụng điện tử (tải xuống từ trang web nhà sản xuất), hoặc cài sẵn trong hệ thống thông tin giải trí tích hợp. Để tiện tra cứu khi di chuyển vào những nơi hẻo lánh, bạn có thể in ra một vài trang chứa các chỉ dẫn quan trọng.
2. Kiểm tra lốp
Việc di chuyển trên quãng đường dài, nhất là phải đi trên những con đường gập ghềnh, bảo đảm lốp xe tốt là vô cùng quan trọng. Cơ bản nhất là việc bảo đảm lốp xe đủ hơi (bao gồm cả lốp dự phòng nếu có). Nếu thấy lốp không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, bạn phải thay lốp mới.
Tiếp đến là loại bỏ những viên sỏi, đá đang mắc vào rãnh của lốp xe để đề phòng nguy cơ xì lốp, nổ lốp. Nếu đi du lịch tại khu vực miền núi, phải leo dốc, đi trên đường đèo quanh co phải kiểm tra cả độ mòn của lốp, thậm chí thay thế lốp với độ cứng và vân lốp phù hợp. Ngoài ra, nên mang theo lốp dự phòng, bơm điện và các dụng cụ tháo lắp lốp cơ bản để có thể thay lốp xe trong trường hợp xấu.
3. Kiểm tra hệ thống phanh
Có một số dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh có vấn đề, như bàn đạp phanh trở nên mềm; bàn đạp phanh quá cứng và khó nhấn; đèn cảnh báo lỗi phanh bật sáng trên táp-lô; có tiếng lạo xạo, ken két phát ra liên tục từ hệ thống phanh. Nhìn mắt thường, có thể kiểm tra độ dày má phanh, tình trạng mặt đĩa phanh…
Nếu thấy hệ thống phanh có các dấu hiệu bất thường, bạn phải xử lý triệt để trước chuyến đi. Tuyệt đối không được chủ quan bởi phanh là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự an toàn.
3. Kiểm tra dầu máy
Dầu máy cần được kiểm tra để bảo đảm cho quá trình vận hành của xe được trơn tru, ổn định. Nên đỗ xe trên nền đất bằng phẳng, cho máy chạy nóng rồi tắt máy. Đợi vài phút cho dầu chảy xuống hết bình chứa. Rút que thăm lau bằng vải sạch, sau đó cắm ngập que vào bình rồi kiểm tra mức dầu trên que. Nếu dầu có màu đen sẫm là đã đến lúc thay. Nếu dầu có màu vàng, nhưng còn thấp hơn mức tiêu chuẩn, thì đổ thêm dầu cùng loại.
4. Kiểm tra nước làm mát động cơ
Nếu nhìn thấy vũng nước nhỏ (thường có màu) bên dưới xe khi chưa hề nổ máy, tức là xe đã bị rò rỉ nước làm mát. Trong trường hợp không có gara khắc phục trong dịp nghỉ lễ, hãy cân nhắc sử dụng một chiếc xe khác để bảo đảm an toàn. Nếu mọi việc bình thường, cũng nên mở nắp ca pô, kiểm tra mực nước làm mát. Trong trường hợp vạch nước thấp hơn chỉ dẫn, hãy châm thêm bằng nước lọc tinh khiết.
5. Lưu ý nước rửa kính và thanh gạt nước mưa
Trong thời tiết xuân nhiều sương mù, nước rửa kính và lưỡi gạt nước mưa có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Trước tiên, kiểm tra mức nước rửa kính còn lại trong bình dưới nắp ca pô. Nếu phải châm thêm, hãy dùng nước rửa kính chính hãng hoặc dung dịch tẩy rửa phù hợp để bảo đảm kính lái được vệ sinh sạch. Trong trường hợp khó mua dung dịch chuyên dụng ngày tết, có thể sử dụng tạm nước lọc tinh khiết.
Cùng với đó, cần kiểm tra thanh gạt nước bằng cách bật thử. Vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn nằm ở phần lưỡi gạt để khi gạt đạt độ sạch tối đa và không phát tiếng kẽo kẹt - thứ có thể rất khó chịu trong suốt hành trình. Nếu lưỡi gạt quá cứng và không còn độ đàn hồi, bám kính, hãy thay mới.
6. Kiểm tra ắc quy
Thông thường, một ắc quy mới có thể sử dụng từ 2 đến 5 năm. Do đó, nếu ắc quy trên xe đã ngoài 3 năm tuổi, hãy cân nhắc thay ắc quy trước chuyến đi. Ngoài ra, người dùng nên kiểm tra xem ắc quy có dấu hiệu lạ như bị rò rỉ dung dịch, xuất hiện các vết nứt, có dấu hiệu của sự ăn mòn...
7. Vệ sinh lọc gió động cơ và điều hòa
Lọc gió động cơ bị bẩn sẽ gây tốn xăng và tổn hại phần cơ khí, trong khi lọc gió điều hòa bẩn sẽ gây mùi khó chịu và bám bụi trong khoang lái. Do đó, việc kiểm tra và vệ sinh để bảo đảm hành trình dài “dễ thở” cho cả người và xe là cần thiết. Nếu lọc gió đã sử dụng trên 2 năm, nên thay mới.
8. Đánh giá hệ thống lái
Để kiểm tra các bộ phận lái và cơ chế treo một cách chính xác, nên chủ động bảo dưỡng xe từ sớm. Tuy nhiên, ngay trước chuyến đi, người dùng nên kiểm tra các dấu hiệu bất thường như xe bị rung, có tiếng động lạ, tiếng gõ lạch cạch khi đi qua chỗ xóc, vết dầu mỡ rò rỉ từ các khớp nối, bộ phận giảm chấn... Nếu đi trên đường, xe bị lạng từ bên này sang bên kia là do xe bị lệch thước lái, cần chỉnh lại bằng máy chuyên dụng.
9. Hệ thống đèn xe
Hệ thống đèn trên ô tô hiện đại phức tạp hơn rất nhiều so với trước kia, dù vẫn có các chức năng chính như cung cấp ánh sáng, định vị xe, ra tín hiệu với xe khác… Trong nhiều tình huống, một bóng LED nhỏ, hay một phần đèn trên xe có thể bị trục trặc mà người dùng không hề hay biết.
Do đó, trước chuyến đi cần kiểm tra nhanh tình trạng của các đèn cơ bản: Chiếu sáng trước (đèn cốt chiếu gần và đèn pha chiếu xa), đèn xi nhan, đèn sương mù, đèn hậu, đèn phanh…
Có thể nhờ người khác ngồi vào ghế lái để đạp phanh, bật, tắt đèn, hoặc xem cảnh báo từ hệ thống máy tính nếu sở hữu các dòng xe hiện đại có chức năng này. Cần xử lý ngay những đèn có ánh sáng yếu, chập chờn hoặc bị nước lọt vào (như hình dưới)… Cần lưu ý rằng đèn xe chập điện là nguyên nhân của rất nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc.
10. Lưu ý với ô tô điện
Với xe điện, ngoài các khía cạnh nêu trên, cần bảo đảm các phụ kiện sạc có đầy đủ trên xe, và hoạt động hoàn hảo. Ngoài ra, người dùng nên tìm hiểu kĩ các điểm sạc khả thi trên lộ trình di chuyển. Không nên đi quá xa các khu vực đô thị, tránh tình huống xe điện hỏng hóc, rủi ro rất khó ứng cứu.
Bởi lẽ, khác với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, ngoại trừ một số lỗi “ngoài da” như thủng lốp, xe điện thường yêu cầu chính nhà sản xuất xử lý các rắc rối do kết cấu máy móc khép kín và hệ thống điện cao thế của xe.
Cũng cần lưu ý, một số dòng xe điện ở Việt Nam hiện có phần mềm điều khiển còn tiềm ẩn lỗi, có thể gây nhiều rắc rối khi di chuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.