(HNM) - Hôm qua 4-6, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Phiên họp thường kỳ tháng 5. Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ nhằm tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi bền vững của nền kinh tế, đồng thời ngăn chặn những khó khăn trước mắt và lâu dài.
Chính phủ nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đã được Quốc hội thông qua, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung vào 11 trọng tâm. Trước hết là tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, thị trường hàng hóa dịch vụ trong nước, để có giải pháp ứng phó phù hợp, can thiệp kịp thời nhằm bình ổn thị trường, giá cả. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các biện pháp vừa cải thiện môi trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng đổi mới cơ chế, chính sách vừa thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Chính phủ lưu ý phải tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất và nhà ở, nhất là khu vực Hà Nội và một số thành phố lớn, có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý trong thời gian qua. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, vi phạm quy định về quản lý giá, các trường hợp thao túng và tung tin nhằm đẩy giá nhà và đất ở lên cao. Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính cũng được Chính phủ nhấn mạnh với yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác này để chuẩn bị xây dựng Chiến lược cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, song song với nhiều công tác khác như giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Chính phủ chỉ đạo từng nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm áp dụng linh hoạt các biện pháp kinh tế, trước hết là các công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, thị trường mở, thị trường liên ngân hàng… để giảm dần mặt bằng lãi suất; cũng như kiểm soát ổn định tỷ giá; tăng dự trữ ngoại tệ. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản bằng mọi giải pháp sử dụng tối đa công suất của các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt, triệt để các biện pháp tiết kiệm sử dụng điện trong sản xuất và tiêu dùng, nhất là trong các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược vay nợ và trả nợ quốc gia giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030-2050 trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9-2010.
Đối với tổng kết tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế nước ta sau 3 năm gia nhập WTO, Chính phủ giao Bộ KHĐT chủ trì thực hiện tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo và tờ trình Bộ Chính trị và đề xuất các kiến nghị nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2020. Về vấn đề đào tạo nhân lực theo nhu cầu, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực cho phát triển ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án quốc gia phát triển nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu trong 5 năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.