(HNMO) - Ngày 4-11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Trình bày dự thảo nghị quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 5-12-2018, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố đề xuất: Sửa đổi, bổ sung 3 nội dung; không thực hiện 5 nội dung; đề xuất 10 chính sách mới. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn thành phố gồm: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sấy, sơ chế, bảo quản giống, bảo quản nông sản; hỗ trợ quản lý chất lượng và chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách khoảng 1.691,9 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách thành phố: 459,9 tỷ đồng/năm; ngân sách cấp huyện: 217 tỷ đồng/năm; nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân 1.015 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định đây là việc làm cần thiết, có tính pháp lý để giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô có bước đi hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, để nghị quyết có hiệu quả, các đại biểu cho rằng việc quan trọng là phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; cần làm rõ vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô; nền kinh tế Thủ đô với kinh tế của các vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác. Cần xác định rõ các chính sách khuyến khích đặc thù như đầu tư sản xuất giống cây, giống con có chất lượng cao. Thành phố Hà Nội cần đầu tư địa điểm sản xuất giống cây lương thực, giống cây thực phẩm, giống hoa, giống quả, giống gia súc, giống thủy sản.
Một số đại biểu nhấn mạnh, các chính sách đặc thù trong dự thảo khá phong phú, tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội thiếu các trung tâm nghiên cứu giống, cây trồng công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế và các trung tâm nghiên cứu khoa học; chưa có chính sách thu hút người tài mà mới chỉ chú ý tới bằng cấp, các chuyên gia, các hội đồng… Do vậy, phải lấy chất lượng sản phẩm làm tiêu chí đánh giá hoạt động sản xuất. Trong sản xuất phải có cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai trên mọi lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản thì mới thu hút được nhân tài và các nhà đầu tư...
Tiếp thu các ý kiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương bày tỏ sự thống nhất cao về tính cần thiết phải ban hành nghị quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm hoàn thiện nghị quyết sớm, để trình HĐND thành phố, góp phần đưa nghị quyết thực sự đi vào đời sống, phát huy hiệu lực hiệu quả, xây dựng Thủ đô văn minh giàu đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.