(HNM) - Tết cận kề, nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại tăng cao. Mặc dù kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy, hầu hết cơ sở đều tương đối bảo đảm điều kiện về nội dung này song người dân vẫn lo ngại...
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP số 1 (TP Hà Nội) kiểm tra quầy bán ô mai tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Thu Huyền |
Phát hiện ít sai phạm
Báo cáo của Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội cho thấy, 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông, lấy mẫu xét nghiệm, cảnh báo thực phẩm không an toàn dịp Tết Nguyên đán đến nay vẫn chưa phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, ngành y tế tổ chức kiểm tra, xử phạt 8/12 cơ sở kinh doanh thực phẩm; kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật đối với 41/41 mẫu thực phẩm thuộc các mặt hàng xúc xích, lạp xưởng, nước quả, rượu, bánh kẹo, hạt khô đều đạt; ngành nông nghiệp tổ chức 140 buổi kiểm tra 242 cơ sở, xử lý 8 cơ sở, tiêu hủy 1.011kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc...
Trước buổi làm việc này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã trực tiếp giám sát tại các quận, huyện Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì - 3 cửa ngõ cung cấp thức phẩm vào nội đô. Nhìn chung, các cơ sở trên địa bàn đều tuân thủ các quy định bảo đảm ATVSTP khá tốt.
Tuy vậy, chính những người trong cuộc cũng chưa thể yên tâm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh lo ngại, kết quả báo cáo mới chỉ là "bề nổi" bởi thực tế, cái người dân lo nhất hiện nay là tình trạng ngộ độc từ từ qua đồ ăn, thức uống hàng ngày ngành y tế vẫn chưa kiểm soát được. Ông Vũ Mạnh Hải, thành viên Đoàn giám sát, lại lưu tâm việc các cơ quan chức năng ở Hà Nội đang buông lỏng quản lý chợ cóc, chợ tạm. Trên thực tế, thành phố mới kiểm soát được các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm lớn, còn các điểm bán lẻ, bán rong, chất lượng vệ sinh thực phẩm như thế nào, trách nhiệm kiểm tra, quản lý thuộc về ai lâu nay vẫn chưa ngã ngũ.
Cần thực chất
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc đánh giá, các cuộc kiểm tra đa phần nặng về yếu tố kiểm tra giấy tờ, trong khi chất lượng sản phẩm, yếu tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến sự an toàn của người tiêu dùng thì các đoàn kiểm tra tiếp cận còn hời hợt.
Một điều nữa cũng cần đề cập trong cách chọn điểm để giám sát. Nhiều ý kiến đề xuất, thay vì chọn các cơ sở sản xuất lớn, đã có uy tín, đoàn kiểm tra cũng nên tăng cường xuống các cơ sở nhỏ lẻ, các điểm bán lưu động. Các cơ quan chức năng cũng nên tính tới kiểm soát chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm của các điểm cung cấp hàng qua mạng...
Thực tế, muốn bảo đảm an toàn thực phẩm phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến đến khâu bảo quản. Nhưng hiện nay, do điều kiện và thời gian, hầu hết các đoàn giám sát mới "chốt" ở khâu cuối: thành phẩm. Tuy nhiên, ngay cả với sản phẩm thành phẩm, nếu chỉ dùng mắt thường thì khó bảo đảm sự chính xác.
Theo nhận định của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy, tuy chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nhưng nguy cơ mất ATVSTP vẫn luôn hiển hiện do Hà Nội là một thị trường lớn, khó kiểm soát. Để giải quyết có hiệu quả vấn đề này, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần sự đổi mới về "chất" trong các khâu kiểm tra, thẩm định, giám sát ATVSTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.