Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm tra đến đâu, phát hiện sai phạm đến đấy

Tuấn Lương| 15/11/2013 07:43

(HNM) - Đăng kiểm xe cơ giới là loại hình dịch vụ công, tuy nhiên do thiếu một mô hình chuẩn nên dù đã được xã hội hóa (XHH) từ gần chục năm nay, hoạt động này vẫn bộc lộ rất nhiều bất cập. Thậm chí, nhiều trung tâm đã cạnh tranh không lành mạnh, bỏ bớt quy trình, công đoạn kiểm tra...

Hàng loạt bất cập

Việc XHH đăng kiểm xe cơ giới được triển khai từ năm 2005. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), giai đoạn thứ nhất (2005-2008) thực hiện theo mô hình các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trung tâm đăng kiểm và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới. Giai đoạn này thí điểm thành lập 9 trung tâm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy cả 9/9 trung tâm vi phạm các quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Có những trung tâm không kiểm tra vẫn cấp giấy chứng nhận; cấp sai chu kỳ kiểm định, tải trọng cho phép; bỏ hạng mục, công đoạn kiểm tra; đăng kiểm viên không nắm vững quy trình, thao tác kiểm tra… Thậm chí, tại Trung tâm 60-04D tỉnh Đồng Nai (năm 2010) còn cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt cho phương tiện không đúng số khung; hệ thống phanh và khớp chuyển hướng của hệ thống lái không đạt. Đến nay, đã có 2/9 trung tâm theo mô hình này dừng hoạt động; 2/9 trung tâm chuyển sang mô hình hoạt động mới.

Nhiều thành phần kinh tế đã tham gia xây dựng trung tâm đăng kiểm và thực hiện kiểm định xe cơ giới.



Đánh giá về mô hình nêu trên, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục ĐKVN cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư hoạt động kiểm định xe cơ giới đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn nên chỉ đầu tư thành lập trung tâm đăng kiểm tại các thành phố lớn, khu vực đô thị, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Trong hoạt động kiểm định, sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp tiêu chuẩn, không thực hiện đúng, đủ quy trình kiểm định, bỏ bớt hạng mục và kiểm tra nhanh để thu hút khách hàng. Qua thanh tra, kiểm tra, Cục ĐKVN đã đình chỉ hoạt động có thời hạn 6/9 trung tâm, đình chỉ chức danh của 51 đăng kiểm viên, trong đó có 7 đăng kiểm viên là giám đốc, phó giám đốc trung tâm.

Mô hình thứ hai (từ năm 2009 đến nay), các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Cán bộ, đăng kiểm viên là công chức, viên chức thuộc các Sở GTVT (hoặc Cục ĐKVN trong trường hợp Sở GTVT không đảm nhận). Mô hình này đã cơ bản khắc phục được những bất cập từ mô hình thứ nhất. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa thể nói là đã hoàn chỉnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nhiều trung tâm đăng kiểm đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng rất nghiêm túc, nhưng kiểm tra thực tế lại phát hiện hàng loạt bất cập. Mục tiêu số một của đăng kiểm là kiềm chế tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường, vì thế để chấn chỉnh công tác này, đầu năm 2014 Bộ GTVT sẽ tổng kiểm tra hoạt động đăng kiểm trên địa bàn cả nước.

Chuyển phí thành giá dịch vụ đăng kiểm
Bố trí các trung tâm đăng kiểm phải gắn với quy hoạch sử dụng đất của địa phương để bảo đảm tính ổn định, lâu dài. Đội ngũ đăng kiểm viên của các trung tâm không nhất thiết phải là công chức, viên chức. Để các trung tâm đăng kiểm XHH hoạt động được, Nhà nước cần chuyển phí đăng kiểm thành giá dịch vụ đăng kiểm; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, đầu tư kinh phí làm đường vào trung tâm…

Hoàn chỉnh "khung" pháp lý

Đánh giá về chủ trương XHH hoạt động đăng kiểm, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết nhưng hiệu quả chưa cao là do thiếu một khung chính sách quản lý. Đại diện Sở GTVT Nghệ An nhấn mạnh, mục tiêu của hoạt động đăng kiểm là góp phần bảo đảm an toàn cho sinh mạng con người, tài sản, bảo vệ môi trường và không được quá đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Nhưng với XHH, để có lợi nhuận cao nhất, nhiều doanh nghiệp đã "quên" những điều kiện nghiêm khắc mà đăng kiểm phải thực hiện. Hiện, nhu cầu của một bộ phận khách hàng là kiểm định nhanh và có được các chứng chỉ để hoạt động mà không cần quan tâm xe có đủ điều kiện an toàn hay không. Nếu chỉ thỏa mãn nhu cầu này thì đăng kiểm chỉ mang tính hình thức, dẫn tới gia tăng tai nạn giao thông do các sự cố kỹ thuật.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 11 trung tâm đăng kiểm, nhưng Sở mới chỉ nắm được một đơn vị, các đơn vị còn lại Sở không nắm rõ bởi các đơn vị này hoàn toàn do Cục ĐKVN trực tiếp chỉ đạo. Để quản lý được hiệu quả, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng khung pháp lý cho công tác XHH hoạt động vận tải nói chung, XHH đăng kiểm nói riêng, trong đó phân cấp rõ trách nhiệm cho các Sở GTVT địa phương.

Ngay cả mô hình thứ hai, bố trí cán bộ, đăng kiểm viên là công chức, viên chức thuộc các Sở GTVT cũng chưa hợp lý: Công và tư đan xen sẽ tạo cơ hội để tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có một quy hoạch mạng lưới trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm hiện nay đi thuê đất không ổn định. Ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2007 TP Hồ Chí Minh thành lập hai trung tâm đăng kiểm theo mô hình XHH nhưng cả hai trung tâm này sau hơn 3 năm đều dừng hoạt động. Bản chất là doanh nghiệp, lấy lợi nhuận là tối đa nhưng lại hoạt động dịch vụ công, mà đăng kiểm viên thì hoạt động theo sự chỉ đạo của chủ doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước "sờ" đâu, thấy sai phạm đó. Sự xung đột về mặt lợi ích, tất yếu dẫn tới thất bại. Đến nay, TP Hồ Chí Minh không còn trung tâm đăng kiểm XHH nào. XHH là hướng đi tất yếu, nhưng phải có một mô hình cụ thể, phù hợp để tồn tại, phát triển và đáp ứng được yêu cầu quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra đến đâu, phát hiện sai phạm đến đấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.