Một tháng, tôi có thể làm thêm được 20 - 30 triệu, nhưng nhìn 1 triệu tiền ăn chồng đưa vẫn sướng rơn và hôn chồng rối rít”.
Phụ nữ không có quyền giỏi hơn chồng mình. |
"Phụ nữ không được quyền tài giỏi hơn chồng"
Chị Hà My (quản lý một dự án của Pháp tại Việt Nam) hoàn hảo hầu hết các mặt xinh đẹp, giỏi giang, nuôi con khéo. Chị chỉ mắc một “tật xấu” duy nhất là kiếm tiền giỏi hơn chồng. Bản thân chị không bao giờ đề cập đến chuyện tiền bạc một cách thiếu tế nhị hay chê chồng kém. Chồng chị cũng làm đến chức phó ban trong một cơ quan nhà nước nhưng lương lậu chả là bao. Ngặt một nỗi, cứ bàn đến chuyện gì trong gia đình động đến tiền, anh lại nói dỗi: “Tôi sao bằng được cô”.
Nhiều người nhìn vào ghen tị với “nền tảng” gia đình chị. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau đó là sự dằn vặt, cãi vã lẫn nhau chỉ bởi chồng chị lúc nào cũng tâm niệm: “Phụ nữ sinh ra không được quyền mạnh mẽ và tài giỏi hơn chồng mình”.
Nếu tính về lương, hai vợ chồng chị Hòa ngang bằng nhau. Tính về lậu, bình quân một tháng chị Hòa kiếm được số tiền gấp 25 lần so với lương nhà nước trả cho chồng chị. Nhưng hai vợ chồng chị chưa bao giờ hục hoặc hay có ý coi thường nhau trong chuyện tiền nong.
“Một tháng, tôi có thể làm thêm được 20-30triệu/tháng, nhưng nhìn 1 triệu tiền ăn chồng đưa vẫn sướng rơn và hôn chồng rối rít. Không giả tạo chút nào. Vì tôi biết mình đang cầm những đồng tiền mồ hôi của chồng đổ xuống”. Chị Hòa tiết lộ. Thậm chí, anh còn xui chị :“Em làm ra nhiều tiền, sao không chăm chút cho bản thân và vóc dáng. Vừa đỡ stress, vừa làm cho chồng không nghĩ tới ai khác”.
Việc phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn chồng ngày nay quá phổ biến và chẳng có gì là xấu. Chỉ những ý nghĩ “trọng nam khinh nữ” hay thái độ phụ nữ giỏi coi thường chồng mình mới là điều đáng bàn.
Ngày càng có nhiều đàn ông Mỹ trở thành Mr Mom. |
Hiện tượng Mr Mom
Anh Quang (Định Công - Hà Nội) từng học tiến sỹ bên Hàn Quốc. Về Việt Nam, anh làm ở một viện nghiên cứu với tiền lương chuyên viên ba cọc ba đồng. Vợ anh cũng đi du học về, đầu quân cho một công ty nước ngoài với mức lương khoảng 3000 USD mỗi tháng. “Lo” kém vợ và được bạn bè mách nước, anh lần lại những mối quan hệ và bắt đầu đổ buôn đồ thời trang từ Hàn Quốc về Việt Nam. Tiền lãi hàng tháng tính ra chưa bằng một phần lương của vợ, nhưng cũng “an ủi” anh phần nào so với số tiền đưa cho vợ trước kia.
Còn anh Long (Hà Đông - Hà Nội) mang tiếng “đụt” chỉ vì anh xin thôi việc để ở nhà trông con khi vợ bắt đầu đi làm. Hoàn cảnh neo người, công việc của một nhân viên bảo tàng nhàn rỗi đến nhàm chán, lại chẳng đâu vào đâu so với khả năng “chiên chứng” (chơi chứng khoán) của vợ, anh đành lùi về “hậu phương”.
Cùng chung suy nghĩ với anh Long, nhiều ông chồng ở Mỹ đã từ bỏ công việc hay chấm dứt sự nghiệp của mình (ít nhất là trong tương lai gần) để ở nhà thay vợ chăm con. Cũng chỉ vì một lý do đơn giản, họ kiếm tiền kém hơn vợ mình. Đây được gọi là hiện tượng Mr Mom.
Thậm chí, có hẳn một hội nghị thường niên dành riêng cho những ông bố đảm đang, nơi họ có thể trao đổi những suy nghĩ, công thức và bí quyết nuôi con cũng như cách tốt nhất để đương đầu với cảm giác cô đơn, lạ lẫm, lúng túng thủa ban đầu. Một loại áo khoác ngoài dành cho các Mr Mom, được thiết kế với túi bên trong đủ rộng để đựng... tã giấy.
Có thể, hiện tượng Mr Mom chưa được dấy lên thành một xu hướng ở Việt Nam với bản sắc văn hóa còn mang nhiều dấu ấn “trọng nam khinh nữ”. Chỉ mong các đức ông chồng đáng kính hãy nghĩ thoáng hơn một chút khi vợ kiếm tiền giỏi hơn mình
“Ai kiếm tiền nhiều hơn không quan trọng, cơ bản là chung tay góp sức xây dựng tổ ấm của mình như thế nào mà thôi”. Anh Long chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.