Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát xe công: Khoán kinh phí là giải pháp tối ưu

Hà Phong| 26/12/2014 07:12

(HNM) - Chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang được thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua sắm, trang bị xe công cho các cơ quan công quyền, người có chức vụ vẫn còn lãng phí.



Trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, số xe công của nước ta khá lớn so với các nước trong khu vực, nhưng cơ chế quản lý còn lỏng lẻo.

- Thưa ông, vừa rồi Quốc hội và công luận nói rất nhiều về nợ công, trong khi việc tiết giảm chi tiêu công còn nhiều biểu hiện lãng phí. Có cần siết lại cơ chế, chính sách ở lĩnh vực này?

- Tình hình tài chính - ngân sách và chi tiêu công hết sức căng thẳng và có nhiều bất cập. Nhưng một thực tế đáng quan tâm là hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận mua xe chuyên dùng chưa chặt chẽ; "tham nhũng" nhà công vụ... đang gây ra nhiều lãng phí. Trong đó, việc sử dụng xe công có nhiều việc đáng bàn, đáng chỉnh sửa cơ chế chính sách để tiết kiệm chi tiêu.

- Chính sách về xe công có tương phản với chủ trương thắt chặt chi tiêu công hiện nay, thưa ông?

- Số xe công của nước ta khá lớn so với các nước trong khu vực. Cả nước hiện có khoảng 37.000 xe ô tô công đang được sử dụng (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước). Riêng năm 2013, số mua mới là gần 1.500 chiếc với số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc quản lý trong quá trình sử dụng xe rất hình thức, lỏng lẻo, tốn kém. Chi phí cho việc mua sắm phụ tùng, xăng dầu, sử dụng và những chi tiêu khác khá lớn trong điều kiện ngân sách khó khăn. Với số xe ô tô như trên, cần phải có bộ máy quản lý, đội xe, lái xe chuyên trách ở trong các cơ quan công quyền để quản lý và sử dụng, cũng là một sự cồng kềnh, tốn kém, bất hợp lý.

- Có ý kiến cho rằng, có hiện tượng "tham nhũng mềm" trong việc mua sắm, sử dụng xe công. Liệu siết lại tiêu chuẩn, chính sách mua sắm xe công có phải là việc cần làm trong thời điểm hiện tại?

- Việc mua sắm, sử dụng xe công được quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước. Tôi xem quyết định này thấy rằng, thực tiễn đang đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản mang tính đột phá, khắc phục cho được tình trạng bao cấp tràn lan, tình trạng lạm dụng cơ chế chính sách gây tốn kém lãng phí, kể cả hiện tượng cơ hội thực dụng trong việc mua sắm, sử dụng xe công. Mấu chốt là siết lại tiêu chuẩn chính sách trong việc mua sắm xe công vì thực tế phương tiện giao thông công cộng trong xã hội đang rất phát triển, các nhu cầu đi lại được đáp ứng thuận lợi. Thay vì sử dụng xe công, nhiều trường hợp có thể thuê mướn, hoặc sử dụng các loại xe khách công cộng hiện có. Nếu thực hiện nghiêm việc này sẽ tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm nhiều nghìn tỷ đồng và cũng để quan chức được gần dân hơn. Ở đây, phải học các doanh nghiệp, các chủ cơ sở kinh doanh bằng phương tiện ô tô về việc quản lý xe máy của mình. Độ vênh trong sự chặt chẽ, cụ thể và hiệu quả của cơ chế quản lý xe trong các cơ quan công quyền với doanh nghiệp tư nhân ngoài xã hội là rất lớn.

- Theo ông, việc bố trí xe phục vụ đối với các cá nhân lãnh đạo nên được siết lại như thế nào?

- Theo tôi, các chức danh ở Trung ương từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên; còn ở địa phương các chức danh chủ tịch HĐND, UBND và bí thư tỉnh ủy trở lên, do đặc thù công việc cũng như yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cần phải tiếp tục thực hiện chế độ được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác như quy định hiện nay. Riêng về giá mua tối đa cũng cần phải khống chế ở mức không vượt quá 1 tỷ đồng. Mức giá trung bình khoảng 700-800 triệu đồng là phù hợp.

Riêng với cấp thứ trưởng và tương đương, cấp phó ở các tỉnh, thành phố nên xóa bỏ hẳn cơ chế bố trí xe đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc và đi công tác. Tôi muốn nói thêm đối với đối tượng cấp phó ở tỉnh, thành phố, việc bố trí xe sai chế độ chính sách tương đối phổ biến.

- Chính phủ đã thực hiện cơ chế thí điểm khoán trong việc sử dụng xe đối với một số đối tượng. Người ta hay nhắc đến cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận - người tiên phong thực hiện cơ chế khoán, thưa ông?

- Đây là chủ trương rất hay nhưng đáng tiếc là không có nhiều sự hưởng ứng. Tôi được biết ông Trần Quốc Thuận là người đầu tiên và cũng là duy nhất thực hiện bài bản, triệt để việc này. Để siết chặt việc bố trí xe thì cũng cần có cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe cho họ. Kinh phí khoán ở đây là khoán trong việc sử dụng xe đưa đón từ nơi ở tới nơi làm việc. Theo tôi, chỉ nên ở mức dăm ba triệu đồng (tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng) là có thể chấp nhận được ở cả hai phía (phía cơ quan nhà nước, ngân sách cũng như phía người được hưởng chế độ, tiêu chuẩn). Và chắc chắn dư luận, người dân cũng sẽ đồng thuận.

Một lực cản ở đây cũng cần nói tới là khi tham gia vào chủ trương, quyết sách này, những người trực tiếp điều hành và thể hiện ý kiến, quan điểm của các bộ giúp cho Thủ tướng, lại là các vị thứ trưởng và tương đương. Dễ hiểu, sự đồng thuận qua kênh hành chính chính thức sẽ không cao vì họ chính là những người ký các văn bản tham gia góp ý. Do đó, cần phát động, khơi thông phong trào để tìm những điển hình tiên tiến, quyết đoán trong việc quyết định cơ chế này sẽ có tác dụng lan tỏa.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát xe công: Khoán kinh phí là giải pháp tối ưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.