Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt thị trường bánh trung thu

Thanh Hiền| 06/09/2020 06:19

(HNM) - Từ đầu tháng Bảy âm lịch, thị trường bánh trung thu vào mùa, kéo theo đó là gia tăng các hành vi buôn bán, vận chuyển sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Để góp phần quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường bánh trung thu.

Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra lô hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại kho hàng ở số 27 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy).

Phát hiện nhiều vụ vi phạm

Sáng 26-8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 24C-086.51 và xe ô tô biển kiểm soát 24C-107.68 đang dừng đỗ tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), phát hiện 1.443 hộp bánh trung thu, bánh ngọt, bánh quy và 1.118 hộp trà hoa quả. Toàn bộ số sản phẩm này do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng.

Cũng trong thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hai Bà Trưng) kiểm tra và tạm giữ 1.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, được tập kết trước cửa số nhà 301 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng).

Trước đó, ngay trong tuần đầu tháng 8, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 27 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), phát hiện 8.000 sản phẩm (tương đương hơn 500kg) gồm bánh trung thu, bánh chuối, bánh pho mai,... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị lực lượng chức năng thu giữ.

Đây là những vụ việc điển hình bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước Tết Trung thu năm nay. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, vào mỗi dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh lại tăng mạnh. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, bánh nhập lậu không rõ nguồn gốc, nếu lơi lỏng công tác quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin thêm, vài năm trở lại đây, các loại bánh trung thu quảng cáo tự làm, bán trực tuyến (online) có xu hướng tăng mạnh. Khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm với bánh trung thu tự làm là nguồn gốc nguyên liệu. Theo quy định, ngoài hợp đồng, hóa đơn mua bán, cơ sở kinh doanh phải có thêm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh và giấy chứng nhận kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những loại bánh do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán lẻ, khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Bà Nguyễn Thị Oánh, ngõ 12, phố Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng (quận Long Biên) bày tỏ, hầu hết các loại bánh trung thu bày bán trên thị trường đều có bao bì bắt mắt. Ngoài những thương hiệu có tiếng, nhiều loại bánh tự làm cũng được quảng cáo khá ấn tượng, song thực sự người tiêu dùng rất khó kiểm tra được chất lượng sản phẩm.

Người dân nên đến những cửa hàng uy tín mua bánh trung thu để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng. Ảnh: Nguyễn Quang

Công khai danh tính cơ sở vi phạm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020. Theo ông Chu Xuân Kiên, trọng tâm kiểm tra là việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu; ngăn chặn các hành vi nhập lậu, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu lưu thông trên thị trường.

“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài các hình thức xử lý theo quy định, tên, địa chỉ cơ sở, loại sản phẩm vi phạm sẽ được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.

Đặc biệt, sau dịp Tết Trung thu, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, ngăn chặn việc tái sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn.

Về phía người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khuyến cáo, không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ; khi mua lưu ý kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng bao gồm tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất… được ghi rõ trên bao bì. Sản phẩm được bán ở địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các điều kiện bảo quản sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt thị trường bánh trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.