Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện

Hoàng Thu Vân| 24/04/2013 05:50

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định, từ nay đến năm 2014 sẽ cổ phần hóa, bán 25% vốn tại các cảng biển cấp 1 do Nhà nước sở hữu. Đây là giải pháp mạnh nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu ngành hàng hải Việt Nam.

Trước đây, khi chưa tiến hành cổ phần hóa, Cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) mỗi năm làm ăn thua lỗ 2-3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, DN đã "ăn nên làm ra", chia cổ tức bình quân đạt trên 35%/năm. Riêng năm 2012, DN lãi trên 103 tỷ đồng, chia cổ tức tới 70%. Cũng cần lưu ý, Cảng Đoạn Xá chỉ có một cầu cảng. Cách Cảng Đoạn Xá hơn 1km là Cảng Hải Phòng với hàng chục cầu cảng, song hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 mức lãi chỉ bằng… Cảng Đoạn Xá. Lý giải nguyên nhân làm ăn không hiệu quả, dù lãnh đạo Cảng Hải Phòng đã viện dẫn một số nguyên nhân khách quan song cũng phải thừa nhận, việc cổ phần hóa, bán một phần vốn nhà nước tại DN đi đôi với việc đổi mới mô hình quản lý, điều hành sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho DN.

Đầu năm 2013, làm việc với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm nay phải thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu các DN nhà nước theo đề án đã được phê duyệt, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty; tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giảm vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN đã cổ phần hóa. Dù đóng vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, nhưng năm 2012, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng.

Từ ví dụ trên có thể dễ dàng so sánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa DN nhà nước (Cảng Hải Phòng) và DN đã được cổ phần hóa (Cảng Đoạn Xá). Như vậy, chủ trương của Chính phủ cổ phần hóa một phần vốn tại các DN nhà nước là hợp lý, vừa nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, vừa đổi mới mô hình quản lý các DN để phù hợp với thực tế. Lợi ích đã thấy rõ. Nhưng thay đổi cung cách quản lý; đòi hỏi cao về năng lực quản trị DN; điều chỉnh và có đường hướng phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hạn chế rủi ro; dám làm và chịu trách nhiệm về quyết định cá nhân… là những vấn đề không phải lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty không ngại khi đã có một thời gian quá dài sống trong "nhung lụa", được "cưng chiều" và sẵn có "bầu sữa mẹ" là nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thời điểm này đã qua 1/3 thời gian của năm 2013. Đề án đã có, kế hoạch đã có, lộ trình thực hiện cũng đã được ấn định; nên chăng cần rà soát lại việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với các tập đoàn, tổng công ty trong việc khẩn trương cổ phần hóa, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó mới có thể nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để bảo đảm tiến độ thời gian. Một trong những bất cập hiện nay là việc các chương trình, kế hoạch… sau khi đề ra đều được nhanh chóng triển khai, tuy nhiên trong thực hiện lại thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, do vậy tới cuối kỳ tiến hành việc sơ kết, tổng kết mới rõ những nơi đã hoàn thành công việc, những nơi gặp phải khó khăn vướng mắc vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Điều đó làm cho tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch… của nhiều cơ quan, đơn vị không bảo đảm. Mà thời gian ở đây chính là tiền bạc. Có nhanh chóng cổ phần hóa, tái cơ cấu thì mới có thể hạn chế tiến tới chấm dứt cảnh nợ nần, thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.