Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát an toàn thực phẩm: Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc

Quỳnh Dung| 31/07/2020 07:10

(HNM) - Thời gian qua, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ vẫn gặp khó khăn do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, ý thức chấp hành về kinh doanh nông sản an toàn của người dân còn hạn chế…

Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn là giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản. Ảnh: Hương Giang

Chuyển biến nhưng vẫn còn vướng mắc

Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội rất tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản; qua đó, đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; mỗi tháng cung cấp hàng nghìn tấn nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc các mặt hàng nông sản trên thị trường vẫn còn khó khăn.

Từ thực tế quản lý tại chợ đầu mối, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô cho biết: Hiện nay, tại chợ có 960 hộ kinh doanh nông sản, thực phẩm, mỗi ngày tiêu thụ 380-400 tấn nông sản, thực phẩm. Sản phẩm rau, củ, quả bán tại chợ đều được nhập từ các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Giang… Qua kiểm tra nguồn gốc tại các hộ kinh doanh, hầu hết các hộ đã có ý thức trong kinh doanh các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sổ theo dõi xuất, nhập hàng hóa... Tuy nhiên, việc ghi chép không đầy đủ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc.

Còn theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, trong 6 tháng đầu năm 2020, Chi cục đã lấy 502 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố; sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Trong đó, 305 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 13 mẫu vi phạm, chiếm 4,2%. Ngoài ra, các đơn vị khác của Sở NN&PTNT cũng tiến hành lấy 449 mẫu nông, lâm, thủy sản để phân tích chỉ tiêu chất lượng an toàn thực phẩm, trong đó, phát hiện 37 mẫu không đạt yêu cầu.

Thực tế, hiện nay việc kiểm soát an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường rất khó khăn do sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Việc lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội được kinh doanh tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn hạn chế. Mặc dù ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một bộ phận chạy theo lợi nhuận, có hành vi gây mất an toàn thực phẩm; nguồn lực đầu tư, công tác bảo trì nhà xưởng, trang thiết bị, bảo đảm an toàn thực phẩm, việc ghi chép truy xuất nguồn gốc còn hạn chế…

Xây dựng các chuỗi liên kết an toàn

Để nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, nhằm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ra thị trường, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp: Vùng trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng trồng rau an toàn. Huyện tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra thuận lợi, nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

Đối với các tỉnh cung cấp hàng nông sản, thực phẩm về Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối đưa nông sản, đặc sản của tỉnh bán tại hội chợ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Để kiểm soát được nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố. Cùng với đó là tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm: Khó khăn trong truy xuất nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.