Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm kê khối tài sản nghìn tỷ của bà làm bún

Hải Duyên| 02/06/2012 09:27

Két được chia thành 3 ngăn. Ngăn đựng giấy tờ nhà đất; ngăn đựng tiền mặt và gần 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm nghìn USD cùng nhiều tỷ đồng. Ngăn cuối cùng đựng gần 100 cây vàng, nữ trang và đá quý được bà chủ quá cố chia thành các túi nhỏ.


Khoảng tháng 3/2011, chị Huệ (22 tuổi) đến văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP HCM, yêu cầu nơi đây lập một vi bằng kiểm kê tài sản trong két sắt ở ngôi nhà thuộc quận Tân Phú của người mẹ nuôi tên Phấn.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, ban đầu việc thực hiện công việc trên gặp khó khăn vì phía anh em họ hàng trong gia đình bà Phấn cản trở, nhất định không cho vào nhà. Nhưng sau khi nhờ UBND và công an địa phương can thiệp, giải thích về nhiệm vụ của lực lượng thừa phát lại thì họ đã chấp thuận.

Ngôi biệt thự cũ trên đường Tô Hiệu (quận Tân Phú), nơi bà Phấn sống giản dị dù sở hữu khối tài sản cả nghìn tỷ đồng. Ảnh: Quốc Thắng.


"Việc họ cản trở chúng tôi cũng vì chưa hiểu chức năng của thừa phát lại. Người nhà bà Phấn cho rằng, luật sư và công an địa phương đứng ra làm chứng mới đúng. Song, theo quy định của pháp luật, chỉ có người của thừa phát lại mới được quyền", ông Hùng nói.

Chiếc két sắt của bà Phấn cao khoảng 50 cm, rộng chừng 30 cm. Do két bị khóa, không có chìa nên khi kiểm kê tài sản, gia đình bà đã phải nhờ thợ đến phá. Két được chia thành 3 ngăn. Ngăn đựng giấy tờ nhà đất; ngăn đựng tiền mặt và gần 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm nghìn USD cùng nhiều tỷ đồng, thẻ hạng VIP của nhiều ngân hàng; ngăn cuối cùng đựng gần 100 cây vàng, nữ trang và đá quý được bà chủ quá cố chia thành các túi nhỏ.

Riêng về bất động sản, có hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Phấn ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP HCM. Riêng ở TP HCM, bà Phấn đã đứng tên hàng chục nghìn m2 đất ở các quận Tân Phú, Tân Bình. Trong đó cũng có giấy tờ của hơn 2.000 m2 tại Tây Ninh mang tên chị Huệ.

Ngoài những tài sản có giá trị lớn, bà Phấn còn lưu giữ cả những tờ bạc loại 200 đồng, 500 đồng và những đồng tiền xu. "Số này không nhiều giá trị. Có thể bà Phấn giữ lại làm kỷ niệm sau mỗi lần đi du lịch", ông Hùng nói.

Với khối tài sản khổng lồ, việc kiểm kê được các nhân viên thừa phát lại tiến hành trong suốt một tuần. Hàng ngày, văn phòng phải huy động 6 nhân viên, 5 thư ký nghiệp vụ đến chứng kiến và ghi nhận lại toàn bộ thông tin, còn quá trình kiểm kê tài sản đều do những người trong gia đình bà Phấn thực hiện. Cứ sau mỗi ngày, tài sản được bỏ vào két sắt niêm phong lại rồi hôm sau tiếp tục kiểm kê.

"Từng lập rất nhiều vi bằng nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến một vụ việc nào có số lượng tài sản khổng lồ đến thế. Không chỉ tôi mà những người tham gia cũng rất ngạc nhiên vì người phụ nữ 66 tuổi này lại có khối tài sản lớn như vậy", đại diện văn phòng thừa phát lại cho hay.

Theo đánh giá của ông Hùng, tuy sở hữu nhiều tài sản nhưng mọi vật dụng ở nhà bà Phấn đều rất đơn sơ. Trong căn biệt thự vườn cũ kỹ, bà Phấn ở cùng một số người đơn thân, nghèo khó. "Có thể do cách sống giản dị này mà bà Phấn được mọi người quý trọng. Bà hay làm từ thiện, tham gia các hoạt động xã hội nhưng không ồn ào, khoa trương", ông Hùng cho hay.

Nhiều người dân trên đường Tô Hiệu cho biết, một dọc kho bãi tại con đường này đều do bà Phấn sở hữu. Ảnh: Quốc Thắng


Cũng theo vị trưởng văn phòng thừa phát lại, con gái nuôi của bà Phấn cũng khá hiền lành, kín tiếng. Ông chỉ biết cô Huệ đã được bà Phấn xin về chăm bẵm từ khi còn đỏ hỏn. Đi đâu bà cũng dắt con theo kể cả ra nước ngoài. Khi Huệ vừa học hết lớp 12, bà đã lo cho cô đi du học tại Đức. Vì nghe tin mẹ mất, cô về nước chịu tang và cùng với anh em trong gia đình lo hậu sự cho mẹ.

Sau khi nhờ Văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh lập vi bằng khối tài sản của bà Phấn, Huệ cùng với ông Phan (em trai bà Phấn) thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Khi hết hạn ký gửi, chị Huệ muốn rút số tài sản này về nhưng ông Phan không đồng ý vì cho rằng đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp 2 bên khởi kiện ra tòa về việc tranh chấp khối tài sản thì vi bằng đã lập được xem là một chứng cứ hợp pháp để tòa xem xét, giải quyết.

Bà chủ khối tài sản khổng lồ sinh năm 1946, từng mở một xưởng làm bún, sau đó kinh doanh cho thuê nhà xưởng và về cuối đời thường xuyên làm từ thiện.

Thừa phát lại là người được Bộ Tư pháp bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự hoạt động dưới hình thức văn phòng thừa phát lại như: nhận yêu cầu của đương sự để đi xác minh điều kiện thi hành án, tức là xác định xem người phải thi hành án có tài sản nào, ở đâu. Thừa phát lại cũng có thể trực tiếp thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Ngoài ra, lực lượng này có thể làm các việc tống đạt giấy tờ của toà án và Cơ quan Thi hành án dân sự cho đương sự, lập vi bằng (biên bản) có giá trị chứng minh trong xét xử và làm một số việc khác theo quy định của pháp luật. Tháng 5/2010 đã có 5 văn phòng thừa phát lại đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại TP HCM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm kê khối tài sản nghìn tỷ của bà làm bún

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.