(HNM) - Tại cuộc họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, giá nguyên nhiên liệu đầu vào trong nước tăng theo xu hướng giá thế giới và giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu thụ xã hội. Đây là nguyên nhân chính khiến CPI tăng trong tháng 6-2021. Tuy nhiên, qua phân tích tình hình thực tế cho thấy, việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm tăng dưới 4% là hoàn toàn khả thi.
CPI tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021 thì CPI chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, có thể khẳng định dư địa còn khá lớn và đến nay mục tiêu kiềm chế lạm phát tăng không quá 4% trong năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát.
Phân tích cụ thể cho thấy, giá xăng dầu trong nước đã qua 10 đợt điều chỉnh, với mức tăng bình quân là 17% trong 6 tháng so với cùng kỳ, làm cho CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas trên thị trường thế giới cũng biến động theo xu hướng tăng khiến giá bán lẻ gas trong nước tăng theo, góp phần làm cho CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình, vật liệu xây dựng cũng tăng do mất cân bằng cung - cầu cũng gây áp lực, làm cho CPI tăng. Tuy nhiên, việc giá một số loại thực phẩm quan trọng (nhất là thịt lợn) cũng như rau quả giảm, giá dịch vụ bưu chính viễn thông giữ nguyên hoặc giảm chút ít cũng là nguyên nhân kìm giữ đà tăng giá. Mặt khác, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội nên hoạt động du lịch, đi lại nói chung cũng giảm thiểu rõ rệt. Kết quả chung là, CPI chỉ tăng ở mức thấp như đề cập ở trên.
Đáng lưu ý là, Chính phủ đã và đang triển khai gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra; từ đó chủ động ổn định thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới nói chung đang trên đà hồi phục khi các quốc gia tập trung, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19; kéo theo sự hồi phục sản xuất và sức cầu trên diện rộng. Tình hình trong nước cũng có thể hồi phục nhanh hơn, cải thiện mức cầu và sức mua. Đó là điều kiện đầu vào và thúc đẩy mặt bằng giá lên cao, tạo ra áp lực lạm phát trong nửa cuối năm nay. Trong đó, giá cả nhiều loại nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất rất dễ gia tăng.
Đặc biệt, hiện giá dầu thô thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó dự báo nhưng chủ yếu vẫn theo xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn đó là yếu tố bất lợi đối với chỉ số giá, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp kiềm chế lạm phát một cách chủ động, hợp lý.
Tuy vậy, dù có sự hồi phục nhưng mức độ cũng đang diễn tiến một cách vừa phải, các doanh nghiệp cũng chưa thể bứt phá và ngay lập tức lấy lại “phong độ” như thời điểm chưa có dịch. Điều đó có nghĩa là khó xảy ra tình trạng khan nguyên liệu, vật tư một cách cục bộ, cũng khó có thể gây xáo trộn lớn về giá. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp, nhất là đơn vị thuộc các ngành gia công như dệt may, da giày thường tranh thủ lúc giá trên thị trường quốc tế ổn định hoặc giá thấp để mua, tồn trữ nhiều loại nguyên, phụ liệu nhằm chủ động đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, diễn biến giá dầu thô thường phức tạp, lại bị động do phụ thuộc tình hình của thế giới nên cần có sự theo dõi sát sao. Cần phát huy khả năng đóng góp của cơ sở lọc dầu trong nước bên cạnh việc nghiên cứu phương án sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hợp lý để ổn định giá nhiên liệu trong nước.
Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các hộ gia đình, một bộ phận không nhỏ người dân đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với hậu quả là suy giảm thu nhập, dẫn đến cắt giảm chi tiêu. Sức cầu xã hội vẫn chưa thể hồi phục. Vì vậy như các chuyên gia nhận định, nếu không có gì quá đột biến thì việc kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.