(HNM) - Hôm qua 4-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2012. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, 17h cùng ngày, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp báo công bố các nội dung liên quan.
Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đánh giá Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tuy kỳ nghỉ dài hơn các năm, nhưng tình hình TTATXH được bảo đảm tốt hơn các Tết trước, không xảy ra những vụ việc phức tạp; Tết đã diễn ra "an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và ấm áp". Hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân rất phong phú, trong đó khảo sát cho thấy hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường ở cả các siêu thị và chợ dân sinh. Tổng mức bán lẻ tháng 1-2012 vẫn tăng 22%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1% so với tháng trước. Đây là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây, trong đó cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có mức tăng thấp hơn mức tăng trung bình của cả nước.
Tổng mức bán lẻ tháng 1-2012 vẫn tăng 22%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1% so với tháng trước. Ảnh: Huyền Linh
Tuy nhiên, tháng 1 cũng chứng kiến một số chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ năm 2011 do tác động của kỳ nghỉ dài và một số yếu tố khác. Đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,9% so với tháng 12-2011 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 6,6 tỷ USD, bằng 81,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mức nhập siêu tháng 1 chỉ là 100 triệu USD, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, trừ tháng 7-2011 có mức xuất siêu.
Ông Vũ Đức Đam cũng cho hay, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hứng khởi bắt tay ngay vào lao động, sản xuất và kinh doanh. Trong đó, có những công trình lớn đã được khởi công hoặc đưa vào sử dụng như ngành dầu khí đã khánh thành Nhà máy Đạm Cà Mau, đáp ứng 80% nhu cầu về đạm của ngành nông nghiệp Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, khi Nhà máy Đạm Ninh Bình đi vào hoạt động, nhu cầu về đạm sẽ được đáp ứng 100% bằng sản phẩm trong nước. Đây là một trong những thành công bước đầu khẳng định quyết tâm phát triển kinh tế của Chính phủ.
Đánh giá về nhiệm vụ năm 2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã nhận định hết sức thận trọng về khó khăn, thử thách năm 2012. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề ra các giải pháp và quyết tâm thực hiện bằng được, đặc biệt là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát ở mức một con số, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ coi kiềm chế lạm phát ở mức một con số là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng thách thức là phải cân đối nhiệm vụ này với nhiệm vụ tăng trưởng hợp lý, ít nhất là bằng năm 2011. Đây cũng chính là lý do để đến nay, mặc dù có cơ sở để giảm lãi suất, nhưng việc giảm lúc nào, mức cao hay thấp cần có thêm thời gian để cân đối cho phù hợp. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong kết quả kiềm chế lạm phát vừa qua, cụ thể là đã làm giảm đi rất nhiều yếu tố lạm phát tâm lý. Ông tin tưởng rằng với sự vào cuộc của báo chí, sự ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm của các ngành, các cấp, Chính phủ sẽ thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm 2012.
Phân tích kỹ hơn về khả năng này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, từ tháng 8-2011, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đều ở mức dưới 1%, nếu duy trì xu hướng này, việc kiềm chế lạm phát ở mức một con số là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được chủ quan, lơi lỏng trong việc thực hiện các biện pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo.
Doanh nghiệp nhà nước không cần "nắm" nhiều lĩnh vực
Trả lời báo chí về vấn đề thanh khoản trong dịp Tết, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù nhu cầu thanh khoản trong dịp Tết vừa qua tăng cao, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng vẫn bảo đảm thanh khoản. Hiện nay, các tổ chức tín dụng khá dồi dào về thanh khoản. Nguồn tiền Ngân hàng Nhà nước "bơm" ra hỗ trợ thanh khoản trong dịp Tết (có kỳ hạn ngắn 7, 14 hoặc 21 ngày) đang được thu về và không ảnh hưởng đến lạm phát. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang tiến hành các bước đánh giá đầu tiên để thực hiện kế hoạch sáp nhập từ 5-8 ngân hàng trong quý I. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại danh mục tài sản như Chính phủ đã chỉ đạo.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu đầu tư và đổi mới doanh nghiệp nhà nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ sẽ được phân bổ trên cơ sở cân đối 4 năm còn lại của nhiệm kỳ. Việc này nhằm bảo đảm đầu tư từ nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế. Đồng thời, vốn đầu tư từ ngân sách cũng sẽ được phân bổ trung hạn. Cuối năm nay, Chính phủ sẽ đệ trình việc phân bổ vốn này trong thời gian 3 năm còn lại của nhiệm kỳ. Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và được đồng ý chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước không cần phải "nắm" nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực nào đã "nắm" phải thật chắc chắn và hiệu quả. Đây là một trong những quan điểm rất quan trọng trong đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc cơ cấu lại hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trả lời về lý do Chính phủ quyết định thôi nhiệm vụ Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của ông Đào Văn Hưng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua EVN có nhiều vấn đề mà dư luận đã nêu như kinh doanh không tốt… Vì vậy, cán bộ lãnh đạo tập đoàn phải chịu trách nhiệm, trong đó trước hết là ông Đào Văn Hưng. Ngoài ra, Ban cán sự Đảng EVN cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm các cán bộ liên quan đến những vấn đề của tập đoàn.
Xử lý công bằng, minh bạch vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng Một trong những nội dung được hỏi nhiều nhất trong cuộc họp báo là về việc xử lý vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hải Phòng làm rõ đúng, sai và sai tới mức độ nào của cá nhân, tập thể liên quan. Dự kiến trong tuần tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc làm việc với TP Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan về vụ việc trên. Kết luận của Thủ tướng sẽ được công bố công khai với báo chí. Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Quan điểm của Chính phủ là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đúng sai liên quan đến vụ việc đều phải công khai, minh bạch; sai đến đâu xử lý đến đó. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP Hải Phòng phải báo cáo làm rõ 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến vụ việc: Một là đúng, sai trong việc giao đất, thu hồi đất; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào. Hai là việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định pháp luật hay không, cách tổ chức cưỡng chế sai ở điểm nào, cấp nào. Ba là ai có chủ trương, ai chỉ đạo, trách nhiệm do ai đối với việc phá hủy tài sản gồm nhà và ao cá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.