Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích thích tiêu dùng

Vũ Duy Thông| 24/07/2012 06:28

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, hàng tồn kho tăng lên là dấu hiệu của tình trạng giảm phát đang đến gần, như nó đã từng xảy ra cách đây vài năm.

Đồng tiền mất giá, tiền công trong đó có tiền lương thực tế giảm, thu nhập hằng tháng phải tập trung cho những nhu cầu thiết yếu của đời sống, nhất là bữa ăn hằng ngày nên người lao động phải tiết kiệm các khoản tiêu dùng khác. Thị trường bất động sản đóng băng, hàng hóa không lưu thông, buộc các doanh nghiệp ngành xây dựng phải hoạt động cầm chừng, vật liệu xây dựng tiêu thụ chậm. Điện, xăng dầu tăng giá khiến các dịch vụ liên quan đến nó như vận tải, sản xuất công nghiệp, các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa không khí, ti vi, tủ lạnh, máy phát điện, các loại đèn… tăng giá theo khiến khách hàng phải đắn đo hơn khi mua sắm, sử dụng. Tình trạng thắt chặt hơn hầu bao không chỉ riêng có tại Việt Nam, nó có ở hầu hết các nước hiện nay và đó là lý do rất quan trọng để quỹ hàng tồn kho trên thế giới tăng đến mức báo động. Bởi thế, bên cạnh những biện pháp khác nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kích thích tiêu dùng trong nước phải được xem là một giải pháp quan trọng.

Muốn kích thích tiêu dùng, phải tác động tới người tiêu dùng bằng nhiều cách như tạo thuận lợi trong mua bán, khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm…, nhưng quan trọng nhất có lẽ là thay đổi thói quen mua bán của người dân và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng để mở rộng một thị trường tiêu dùng rộng lớn và giàu tiềm năng là thị trường trong nước.

Thay đổi thói quen tiêu dùng, có cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Cuộc vận động này đang trên đà có kết quả, nhiều siêu thị hiện đã có đến trên 90% hàng Việt bày bán, nhiều túi đi chợ trở về có đến 100% hàng Việt nhưng xem chừng phong trào này lâu không được hâm nóng, đang dần bị lãng quên. Các doanh nghiệp thì ngại khó, vin vào sản xuất và tiêu thụ khó khăn, lãi ít nên ngại đưa hàng về nông thôn, ngại tổ chức triển lãm, hội chợ mặc dù thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn đang khát hàng Việt. Các tổ chức, đoàn thể sau một thời gian hăng hái đã bận rộn vào nhiều việc khác. Yếu tố quan trọng nhất để đưa phong trào vào chiều sâu là cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh với hàng nước ngoài thì sự hưởng ứng chậm chạp, lẻ tẻ nên cuộc vận động có vẻ không sôi động như thời gian trước.

Vấn đề quan trọng không kém là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào mấy nội dung chính là được mua những hàng hóa mình muốn, mua hàng thuận tiện, chất lượng tốt, giá thành rẻ, dịch vụ hậu mãi chu đáo. Hầu hết các tiêu chí này, ta đều chưa làm tốt. Người tiêu dùng Việt Nam, ở những mức độ khác nhau rất dễ bị lừa gạt, không được bảo vệ cũng như chưa có ý thức bảo vệ mình. Tình trạng quảng cáo sai sự thật (như quảng cáo thuốc và khám bệnh vừa qua), cấp phép sản xuất cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện, chứng nhận sai phẩm cấp, trao "huy chương vàng" cho những sản phẩm không xứng đáng diễn ra khá phổ biến khiến người tiêu dùng bị lừa. Trên thị trường, từ siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đến các quầy bán lẻ, không phải không có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hàng Việt Nam do công nghệ lạc hậu, quản lý kém, chạy theo lợi nhuận nên giá đắt hơn hàng ngoại nhập, nhất là hàng ngoại trốn thuế, không rõ nguồn gốc. Hệ thống kiểm tra, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thiếu và yếu, người mua hàng gặp chuyện oan ức không có thói quen khiếu nại hoặc không biết kêu ai và có kêu thì cũng không được giải quyết chu đáo.

Cho nên, có thể giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ xấu, hỗ trợ xuất khẩu, chủ động tìm kiếm thị trường… để giảm hàng tồn kho nhưng đừng quên khuyến khích tiêu dùng bằng những biện pháp không tốn kém nhiều nhưng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích thích tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.