(HNMO) - Ngày 21-11, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, tham dự có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tham dự tại điểm cầu Cục Thuế Hà Nội.
Đến 30-6-2022, 100% doanh nghiệp áp dụng
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11-2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30-6-2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, triển khai hóa đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 và năm 2022.
Tại điểm cầu Tổng cục Thuế và điểm cầu 6 địa phương triển khai HĐĐT giai đoạn I, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đã chính thức bấm nút kích hoạt hóa đơn điện tử.
Hà Nội đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp
Chia sẻ về sự quan tâm chỉ đạo đối với triển khai hóa đơn điện tử, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội rất vinh dự là 1 trong 6 địa phương triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1.
Đây là một giải pháp, một bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thành phố và hướng tới chính phủ số. Những lợi ích của hóa đơn điện tử như tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch đã được chứng minh rất rõ nét trong giai đoạn vừa qua khi mà trên 99% doanh nghiệp, tổ chức tại thành phố Hà Nội đã thông báo phát hành HĐĐT.
Với các lợi ích đó, UBND thành phố xác định rõ tầm quan trọng của việc triển khai HĐĐT trong công cuộc chuyển đổi số. Việc triển khai HĐĐT không chỉ của cơ quan thuế mà cần có sự phối hợp vào cuộc của các sở, ban, ngành. Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT tại thành phố, đồng thời ban hành kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ tới từng sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Cục Thuế Hà Nội triển khai HĐĐT trên địa bàn, đáp ứng tiến độ.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong việc chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định mới, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành tổng hợp vướng mắc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong quá trình chuyển đổi, giảm thiểu những phiền hà có thể xảy ra.
“Thành phố Hà Nội xin cam kết với Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, sẽ đồng hành với doanh nghiệp, người nộp thuế trong việc triển khai áp dụng HĐĐT, hỗ trợ xử lý toàn bộ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người nộp thuế, bảo đảm tiến độ triển khai theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bảo đảm thông tin dữ liệu chính xác, thống nhất, an toàn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao và biểu dương về những kết quả ngành Thuế và ngành Tài chính đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người nộp thuế đưa hệ hống HĐĐT đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác tài chính - ngân sách nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng còn những hạn chế, bất cập. Việc triển khai cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế còn khó khăn, thách thức. Có lúc, có nơi còn hiện tượng chưa tạo điều kiện kịp thời cho người dân và doanh nghiệp trong kê khai thuế.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sớm khắc phục tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngành Tài chính, ngành Thuế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quán triệt toàn ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử, bảo đảm thông tin dữ liệu chính xác, thống nhất, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo điều kiện cho người nộp thuế; tăng cường thông tin tuyên truyền về HĐĐT đến người dân, doanh nghiệp; xác định rõ triển khai hệ thống HĐĐT là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội số; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể triển khai thành công HĐĐT, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận lợi cho người sử dụng. Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phối hợp cùng với các địa phương trong quản lý HĐĐT, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử giao dịch xuyên biên giới...
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội gắn với chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, trong đó phân tích, đánh giá kỹ, bảo đảm sử dụng các công cụ tài khóa linh hoạt, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn nợ công; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tài khóa như giảm thời gian nộp, miễn, giảm một số loại phí, thuế, các chính sách chi hỗ trợ cho người dân, người lao động...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.