(HNM) - Ngay khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3, thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các hoạt động để đón khách nội địa và quốc tế. Nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo, ấn tượng đã được “kích hoạt” để thu hút du khách, đặc biệt là hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Hà Nội và 11 địa phương lân cận vào tháng 5 tới.
Nhiều sản phẩm mới, đặc trưng
Ngay khi hoạt động du lịch được phép mở cửa hoàn toàn, du lịch Thủ đô lập tức khởi sắc theo đúng phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mở đầu là chuỗi sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 25-3, trong đó điểm nhấn là sản phẩm Lễ hội Khinh khí cầu lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Sản phẩm du lịch mới lập tức thu hút hàng nghìn người dân, tạo dấu ấn lớn cho sự trở lại đầy mới mẻ và ấn tượng của ngành Du lịch Thủ đô.
Đặc biệt, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 31-3 đến 3-4 tại Hà Nội, thu hút hơn 40 nghìn lượt khách, 20.000 doanh nghiệp tham dự, trở thành ngày hội của những người làm du lịch cả nước. Nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội được trình làng. Điển hình là Hội Lữ hành Hà Nội giới thiệu bộ sản phẩm: Tour đi bộ “Kiến trúc pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” vào tháng 5, sẵn sàng đón khách dịp SEA Games 31.
Ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm mới từ tháng 4 và 5. UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, tour mới của Bát Tràng sẽ có nhiều trải nghiệm khác lạ để khách tự khám phá văn hóa làng cổ qua các trò chơi, ra mắt vào tháng 5 tới.
Trong khi đó, UBND thị xã Sơn Tây đang gấp rút chỉnh trang hè phố để sẵn sàng đưa phố đi bộ Sơn Tây vào hoạt động trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (đơn vị tham gia ý tưởng và phát triển không gian phố đi bộ) Nguyễn Đăng Thạo cho biết, tuyến phố đi bộ sẽ được kết nối với nhiều điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn Sơn Tây, như: Đền Và, chùa Mía… “Chúng tôi chuẩn bị một số sản phẩm du lịch trải nghiệm mới cho du khách khi đến Sơn Tây như dịch vụ cho thuê mobile home (ngôi nhà di động) để khách có thể thư giãn, cắm trại tại phố đi bộ, thành cổ, hồ Đồng Mô...”, ông Nguyễn Đăng Thạo nói.
Hà Nội - đến để yêu
Bên cạnh việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng Thủ đô, tới đây, Hà Nội còn tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động để quảng bá du lịch, thu hút du khách, đặc biệt hướng đến những đoàn khách lớn dịp SEA Games 31.
Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022, dự kiến diễn ra từ ngày 29-4 đến 1-5 tại khu vực tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Tượng đài vua Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác. Tại lễ hội này, ngoài việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề Hà Nội, sản phẩm quà tặng độc đáo, người dân còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa. Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội chuẩn bị tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội, với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” từ ngày 13 đến 15-5. Lễ hội dự kiến có khoảng 80 gian hàng, giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội cũng như những tour kích cầu hấp dẫn.
Đề cập đến kế hoạch quảng bá, kích cầu du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành Du lịch Hà Nội đã sẵn sàng phục hồi và phát triển. “Các sự kiện diễn ra tới đây sẽ tập trung quảng bá tới người dân và du khách, nhất là khách quốc tế về một “Hà Nội - Đến để yêu”, một điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, chất lượng và hấp dẫn. Vì thế, Hà Nội cần sự chung tay của các địa phương, tổ chức, đơn vị kinh doanh du lịch để có những sản phẩm riêng biệt, níu chân du khách lưu trú dài ngày hơn. Ngoài ra, các đơn vị cần bổ sung nguồn nhân lực để nâng cấp dịch vụ, sẵn sàng đón lượng khách lớn”, bà Đặng Hương Giang nói.
Về giải pháp giúp Hà Nội nhanh chóng phục hồi du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Hà Nội cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để xây dựng sản phẩm mang tính liên kết vùng bền vững cũng như tạo thị trường khách hai chiều. Ngoài ra, do xu hướng và thói quen của du khách đã thay đổi, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số vào việc quản lý và xây dựng sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.