Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịch bản giải quyết nợ xấu thiếu thời điểm thực hiện

Hà Phong| 21/08/2012 17:36

(HNMO) - Xét về mặt vĩ mô, Việt Nam đã tạm thời vượt qua giai đoạn nguy cấp nhất là quý IV năm 2011- khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ dần đổ vỡ hàng loạt, 12 tổ chức tín dụng (TCTD) ở phía Bắc và phía Nam đứng sát bờ vực phá sản.

Nhưng chờ đợi phía trước vẫn là những biểu hiện ảm đảm, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ, các TCTD không chung tay xử lý nợ xấu. Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong phiên điều trần tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 21- 8

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn chiều 21/8. Ảnh: VnE

Đâu là số liệu nợ xấu chuẩn?

Phần hỏi đáp dành cho ông Nguyễn Văn Bình được đặc biệt quan tâm với khoảng 50 câu hỏi liên tiếp. Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu QH Đỗ Văn Dương (TP Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, khối thuốc nổ lớn đang nằm trong hệ thống NH hiện nay là các khoản nợ xấu và không ai biết quy mô chính xác đi kèm với sức tàn phá của nó đến đâu. Đề nghị Thống đốc NHNN làm rõ. Theo ông Hiển và ông Dương, ngay cả số liệu chính thức của NHNN và các TCTD cũng không rõ ràng. Trước đó, số liệu tổng hợp từ các nhà băng là hơn 117.700 tỷ, nhưng số liệu Thanh tra NHNN lại lên tới 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Chiều 7- 6- 2012, giải trình trước QH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu đến 10%. Đến hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành NH ngày 7- 7- 2012 tại Hà Nội lại thông báo rằng đến cuối tháng 6- 2012, tổng nợ xấu toàn hệ thống chiếm 4,47% (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng) tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Giải trình trước UBTVQH về vấn đề này, Thống đốc NHNN thừa nhận nợ xấu của các TCTD có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Người đứng đầu ngành NH cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính của các TCTD thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Mới đây, sau thanh tra 9 TCTD yếu kém, con số nợ xấu rất đáng lo ngại. Có nơi nợ xấu lên 30%, 50% và thậm chí tới 60%. Có những NH mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ, thế nhưng lại “quảng cáo”, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đang kinh doanh có lãi.

Về con số nợ xấu chính xác, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ điều hành căn cứ vào số liệu của Thanh tra NHNN (8,6%) thay vì vào báo cáo của bản thân các TCTD.

Truy đến cùng trách nhiệm của tư lệnh ngành

Cho rằng Thống đốc NHNN mới diễn giải nguyên nhân của việc loạn số liệu, Phó trưởng đoàn đại biểu QH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa và đại biểu QH Trần Quốc Khánh (TP Hà Nội) yêu cầu làm rõ phương án giải quyết và chất vấn trách nhiệm của Thống đốc NHNN vì để xảy ra hiện tượng này. Ông Huỳnh Nghĩa cung cấp thêm thông tin, việc phân loại khách hàng cho vay khó khăn đã khiến nhiều DN Đà Nẵng phải gửi lại ngân hàng một phần ba phần được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9% một năm. Cộng với phí bôi trơn, họ phải trả lãi 18% một năm cho mỗi khoản vay. Việc làm này không có giấy tờ nên không vi phạm Luật nhưng bản chất vẫn là lách luật, khiến nợ xấu gia tăng, DN không vay cũng khổ, vay cũng khổ.

Trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa về việc lãi suất vay cao hơn quy định chung, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu có thì đây không phải là hiện tượng phổ biến bởi các NH đang thiết tha cho vay vì họ cũng là DN. Do vậy họ bằng mọi cách bán được hàng (cho vay), thậm chí là phải giảm lãi suất. Tuy nhiên, ông Bình cũng đặt tình huống có sự thông đồng giữa NH và doanh nghiệp trong trường hợp này. “Do khoản vay dưới chuẩn (DN đã vay chưa trả nay lại vay tiếp) nên hai bên thông đồng với nhau. Nếu có, đề nghị đại biểu thông tin để tôi có điều kiện chấn chỉnh”, ông Bình nói.

Về xử lý nợ xấu chưa tốt, người đứng đầu NHNN thừa nhận trách nhiệm của mình. Cùng đó, ông đưa con số trong giai đoạn 2008 - 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 26,56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân ở mức 51%, Thống đốc lý giải nguyên nhân từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ở nguyên nhân chủ quan, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số TCTD còn bất cập. Như việc thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định. Việc đánh giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế, không đầy đủ tính pháp lý dẫn tới tình trạng khó xử lý hoặc phát mại được thì giá trị thu hồi thấp. Nguyên nhân tiếp theo được nhìn nhận là trong những năm gần đây, các TCTD liên tục tăng vốn điều lệ dẫn đến sức ép tăng trưởng tín dụng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Nhiều đơn vị có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập.

Bên cạnh đó, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế. Kết quả là nợ xấu làm cho các DN không vay được NH mà NH cũng không dễ dàng cho DN vay vốn. DN không có vốn để sản xuất, hệ lụy là sức mua giảm, việc làm giảm, nền kinh tế như bị đóng van. Mặt khác, các DN không vay được NH thì để tồn tại họ phải vay ngoài, với lãi suất cao, thế là lại càng đẩy nợ xấu của DN lên. Để “tiêu thụ món” nợ xấu nói trên, NHNN đã có đề án trình Chính phủ NHNN dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100 nghìn tỷ đồng; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống NH, cải thiện cơ chế chính sách giám sát xử lý nợ xấu, (triển khai từ đầu năm 2013).

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN vẫn cho rằng nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức "hốt hoảng" và "quá nguy kịch" nếu so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý nợ xấu. Với chỉ đạo mới nhất, các TCTD đã trích lập 70.000 tỷ để dự phòng rủi ro tín dụng. 84% các khoản nợ của hệ thống đều có tài sản đảm bảo (giá trị 135% giá trị các khoản nợ)". Mặc dù vậy, những thông tin được ông Bình đưa ra được UBTVQH cho là không có gì mới mẻ so với những lý giải trước đây hơn một tháng của Chánh thanh tra NHNN về nợ xấu. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, yêu cầu cấp thiết là Thống đốc cần xác định thời điểm giải quyết xong "cục máu đông" nợ xấu. Liệu cuối năm 12- 2012 hoặc có thể sang 30-6 năm sau, nợ xấu giảm không và giảm xuống cỡ bao nhiêu? Đây là vấn đề nhiều đại biểu QH quan tâm nhưng câu trả lời không rõ. 

Cùng ngày, UBTVQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề việc làm và đào tạo nghề. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng tham gia trả lời chất vấn. Liên quan đến câu hỏi của nhiều đại biểu về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ qua đào tạo nghề hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt 10%, trong khi cả nước đạt 43%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tình trạng này là do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế. Các doanh nghiệp không "mặn mà" trong đào tạo và đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cách thức đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc chưa phù hợp.

Để giải quyết những bất cập này, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước.

Bách Sen
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản giải quyết nợ xấu thiếu thời điểm thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.