(HNMO) - Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông điệp khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua lại, sau khi cơ quan này cho biết đang xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngân hàng...
An toàn hệ thống ngân hàng bị đe dọa
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhìn lại hệ thống các TCTD Việt Nam, mặc dù hoạt động mới chỉ gần 2 thập kỷ nhưng hệ thống đã có những biến đổi cơ bản về chất (đa dạng về hình thức sở hữu, phong phú về loại hình dịch vụ), và về lượng (số lượng tổ chức tín dụng gia tăng, mạng lưới phát triển rộng). Tính đến nay, toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
Với vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính, TCTD đã và đang gánh vác một nhiệm vụ quan trọng trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các TCTD hiện phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là: Nền kinh tế thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, nguy cơ tái suy thoái kinh tế thế giới còn tiềm ẩn, thị trường vốn trong nước có nhiều diễn biến không ổn định, nội tại hệ thống tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, năng lực tài chính còn khiêm tốn, chất lượng quản trị và điều hành còn hạn chế; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, lợi nhuận chủ yếu mới chỉ từ hoạt động tín dụng. Với một số lượng các TCTD không nhỏ kể trên, cùng với mạng lưới hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị đã và đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các TCTD, gây áp lực đến lợi nhuận, qua đó tạo sức ép buộc các TCTD chấp nhận mức rủi ro cao, đe dọa đến an toàn hệ thống.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu nhất quan trọng điều hành của Chính phủ cho năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015 là “ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý”. Do đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt. Mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh đối với chính sách tiền tệ giai đoạn này là ổn định giá trị sức mua của đồng tiền, điều hành tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng GDP hàng năm, kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương thích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Giải pháp hữu hiệu: Sáp nhập, hợp nhất, mua lại
Vì vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, ngay từ bây giờ, các TCTD cần hoạch định cho mình chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD.
Cơ quan quản lý này cho rằng, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD giúp hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng. Giữa những năm 1990, tại Việt Nam, chúng ta cũng đã chứng kiến các cuộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng thành công, góp phần tạo dựng một hệ thống tổ chức tín dụng lớn mạnh hơn. Hiện tại, chúng ta đã có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các TCTD tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Có thể nói, sáp nhập, hợp nhất, mua lại không còn là các khái niệm mới mẻ đối với cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam. Mua lại, sáp nhập, hợp nhất để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, và cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia.
Trên thế giới, có một số thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành tài chính ngân hàng: Vụ sáp nhập lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành ngân hàng châu Âu nói riêng và trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu nói chung của hai ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh, hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường; vụ sáp nhập của Bank of America với Merrill Lynch, giúp Bank of America đạt tham vọng đứng đầu ngành ngân hàng nội địa của Mỹ xét theo tiêu chí tiền gửi và lượng vốn hóa thị trường; vụ sáp nhập của Wells Fargo với Wachovia giúp Wells Fargo nâng tầm, đứng ngang hàng với các đối thủ tên tuổi khác tại Mỹ như JP Morgan Chase và Bank of America; vụ sáp nhập của UFJ Holding với Mitsubishi Tokyo Financial Group để hình thành Mitsubishi UFJ Financial Gropup hùng mạnh nhất thế giới, vượt qua Citigroup về giá trị tài sản. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.