(HNM) - Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 456 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bất động sản, giao thông vận tải, giáo dục.
Thời gian qua, mô hình kinh doanh hợp tác xã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân thành phố. Tại TP Hồ Chí Minh, chiếm số lượng nhiều nhất là các hợp tác xã thương mại - dịch vụ với hơn 110 đơn vị. Nhiều đơn vị luôn giữ được mức tăng trưởng tốt, đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Liên hiệp Hợp tác xã Tân Bình, Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ quận 3, Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ quận 11.
Điển hình như Saigon Co.op, ra đời từ tháng 5-1989, đến nay đơn vị này có đội ngũ 18.000 nhân viên, có 100 siêu thị, 600 điểm bán hàng trên toàn quốc. Doanh thu năm 2017 của Saigon Co.op đạt 30.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác xã quốc tế, Saigon Co.op là một trong 30 tổ chức hợp tác xã tiêu dùng tiêu biểu trên thế giới. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: "Rất nhiều ý kiến cho rằng mô hình kinh doanh hợp tác xã đã lạc hậu. Tuy nhiên, không có lý do gì chúng tôi không tiếp tục duy trì mô hình này bởi vì các tổ chức hợp tác xã vẫn phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia... Chúng tôi sẽ là đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ các hợp tác xã, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp thông qua chính sách ưu tiên tiêu thụ sản phẩm".
Mới được thành lập vào cuối tháng 12-2015, Hợp tác xã Hoa lan huyền thoại đã được UBND TP Hồ Chí Minh bầu chọn là đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. Sau khi ra đời, hợp tác xã có tổng diện tích trồng lan cắt cành lên đến 18ha. Bà Trịnh Nguyễn Anh Thư - xã viên Hợp tác xã Hoa lan huyền thoại cho biết: "Qua 3 năm hoạt động, hợp tác xã đã đi vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm ổn định. Chúng tôi thu được nhiều kết quả tốt như nâng tổng sản lượng đạt 8 tỷ cành lan, 100.000 cây giống tiêu thụ trong và ngoài nước mỗi năm, tổng diện tích tăng thêm là 7ha... Ngoài việc thu mua hoa cho các thành viên hợp tác xã, chúng tôi còn tiêu thụ giúp các hộ nông dân trồng lan lân cận".
Để hỗ trợ các hợp tác xã, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển mô hình này, đặc biệt là ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp để trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực của thành phố. Bà Trịnh Nguyễn Anh Thư - xã viên Hợp tác xã Hoa lan huyền thoại cho biết: "Chúng tôi được hưởng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay đến 60%, sau đó tăng lên 80% để đầu tư hạ tầng, sản xuất cho hợp tác xã. Đồng thời, chúng tôi cũng được nhận nhiều hỗ trợ về việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ Trung tâm Xúc tiến thương mại TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường".
Nhằm phát huy sự đóng góp kinh tế của các hợp tác xã, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo đến tất cả các sở, ngành thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế hợp tác xã. Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trình đề xuất hỗ trợ cho các hợp tác xã, giao Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh mở rộng phát triển liên kết giữa các hợp tác xã, giữa hợp tác xã và các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND các quận, huyện triển khai kế hoạch chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã; hỗ trợ các hợp tác xã vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác được tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.