Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công - tư: Giảm tải cho ngân sách

Hồng Sơn| 07/02/2015 07:21

(HNM) - Mặc dù nước ta được đánh giá là đã hoàn thành tốt một số mục tiêu đề ra trong việc bảo đảm đủ nguồn điện cung ứng cho sản xuất, không ngừng cải thiện hệ thống hạ tầng, nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn quan ngại về khả năng cung ứng các dịch vụ,

Nguồn điện luôn được cung ứng bảo đảm cho sản xuất đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt



Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 16-17 tỷ USD cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong khi thực lực ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%. Như vậy, đương nhiên phần còn lại sẽ phải dựa vào các nguồn khác. Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các nước đều dành nhiều "đất" cho giới đầu tư tư nhân tham gia để giảm tải cho ngân sách, đồng thời là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên cơ sở công bằng và minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng chia sẻ quan điểm này vì đối với Việt Nam, hình thức đối tác công - tư (PPP) ngày càng quan trọng do ngân sách nhà nước luôn có hạn. Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế tham gia xây dựng các công trình điện, giao thông, cảng biển, sân bay... theo hình thức PPP. Các bộ, ngành chức năng và địa phương cũng đang nghiên cứu, phối hợp để sớm công bố một danh mục dự án gọi đầu tư thông qua PPP.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên tổ chức cuối năm 2014, một số nhà đầu tư nêu rõ quan điểm, nếu áp dụng PPP đối với ngành năng lượng, Việt Nam sẽ khai thác thành công các nguồn năng lượng tự nhiên để bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định, với giá hợp lý. Đó cũng là hành động góp phần hiện thực hóa cơ hội và lợi ích đến từ các hiệp định thương mại tự do, đồng thời góp phần thúc đẩy và củng cố sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, nếu triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn, kết hợp bảo vệ môi trường và hỗ trợ quá trình phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, PPP sẽ mở ra cơ hội và bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thể hiện sự tiến bộ của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đưa ra đề án huy động vốn để xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Dự tính, đến năm 2020 lượng vốn từ khu vực tư nhân đóng góp vào các dự án, công trình hàng không sẽ chiếm tỷ trọng 15-20%.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ vừa yêu cầu các bộ: Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lại các dự án có nhu cầu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó chú trọng việc lựa chọn những dự án có nhu cầu bức thiết và có khả năng hoàn vốn. Các dự án sẽ được công bố công khai, thuộc một số lĩnh vực quan trọng, gồm Nhà máy Xử lý chất thải rắn, nước thải; trạm thủy lợi, trồng rừng, kho chứa nông sản; nâng cấp và xây mới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không... Các ngành chức năng đang phối hợp nhằm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Đấu thầu và triển khai dự án theo hình thức PPP để nhanh chóng áp dụng trên diện rộng. Các địa phương cũng rà soát, bổ sung những dự án có nhu cầu đầu tư và mong muốn huy động vốn theo hình thức PPP; trong đó có tính đến cả phương án kết hợp với hình thức BOT, BT.

Các chuyên gia dự báo, năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp để Chính phủ, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về hình thức PPP và tác dụng nhiều mặt của nó đối với đời sống kinh tế - xã hội. Vấn đề là sự nắm bắt tình hình, tạo lòng tin từ cả phía doanh nghiệp cũng như chính quyền để PPP đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công - tư: Giảm tải cho ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.