Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn quy định

Hoàng Phong| 23/08/2012 06:54

(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp (DN) để xin ý kiến trình Chính phủ. Theo đó, mức điều chỉnh lương cao nhất là 2.700.000 đồng/tháng, thấp nhất 1.800.000 đồng/tháng.


Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau một thời gian tính toán, hai phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình DN đã được Bộ đưa ra để gửi các địa phương đóng góp ý kiến. Cụ thể, với phương án 1, mức lương tối thiểu áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 1 tăng từ 2.000.000 đồng/tháng hiện nay lên 2.700.000 đồng/tháng; các DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 2 tăng từ 1.780.000 đồng lên 2.400.000 đồng, còn các DN hoạt động ở vùng 3 tăng từ 1.550.000 đồng lên 2.130.000 đồng và các DN hoạt động ở vùng 4 tăng từ 1.400.000 đồng lên 1.930.000 đồng. Còn ở phương án 2, tương tự mức điều chỉnh của vùng 1 sẽ là 2.500.000 đồng, vùng 2 là 2.250.000 đồng, vùng 3 là 1.950.000 đồng và vùng 4 là 1.800.000 đồng.


Tăng lương tối thiểu nhằm bảo đảm cuộc sống cho ngườilao động. Ảnh: Yến Ngọc

Mức đề xuất tăng lương lần này, theo ông Phạm Minh Huân, vẫn căn cứ trên các tiêu chí: chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu. Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện lấy ý kiến qua ba hình thức: công khai lấy ý kiến trên mạng; gửi công văn lấy ý kiến các địa phương và tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với các bên liên quan để công bố vào tháng 10-2012 và thực hiện từ ngày 1-1-2013. Mức điều chỉnh sẽ áp dụng chung cho cả DN trong nước và DN nước ngoài (FDI).

Điều chỉnh lương sẽ là bài toán khó?

Với hai phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, theo nhận định của ông Phạm Minh Huân, phương án thứ nhất có ưu điểm giúp người lao động giảm bớt gánh nặng khó khăn, bảo đảm đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho họ vào năm 2015 như chính sách đã đề ra. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán nan giải đối với nhiều DN trong tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2012 đang gặp rất nhiều khó khăn do mức điều chỉnh cao, làm tăng chi phí lớn ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN nhất là đối với DN vừa và nhỏ và DN sử dụng nhiều lao động. Mức đề xuất tăng lương lần này cũng căn cứ trên nhiều tiêu chí như chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu…

Về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, các DN đang rất khó khăn, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, nơi sử dụng nhiều nhân công. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ tác động mạnh đến họ. Đã có nhiều DN ở trong tình cảnh lao động đòi tăng lương còn chủ DN thì chuẩn bị phá sản. Nói tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng tới thất nghiệp là không ổn, vì hầu hết những DN này đang trả cho lao động lương thực tế chỉ cao hơn lương tối thiểu không đáng kể.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Mai Đức Chính cũng nhận định, việc điều chỉnh lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu chung do Chính phủ đề ra. Trong thực tế, đa số các DN đã trả cho người lao động mức lương cao hơn so với mức lương sắp điều chỉnh. Tuy nhiên, mức lương mới sẽ là căn cứ để DN đóng BHXH, BH thất nghiệp. Theo ông Mai Đức Chính, trong tương lai gần, căn cứ vào Bộ luật Lao động mới, mức tính BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động sẽ phải căn cứ trên mức thu nhập gồm cả lương và các khoản phụ cấp chứ không tính riêng lương như hiện nay. Như thế sẽ bảo đảm quyền lợi hơn cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn quy định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.