Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khung xử phạt phải thật cao mới đủ sức răn đe

V.An| 01/06/2010 16:48

(HNMO) - Nội dung đáng chú ý nhất trong phiên làm việc của Quốc hội ngày 1/6 là phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn thực phẩm.

Cụ thể hóa trách nhiệm từng bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về ATTP

Đại biểu Đinh Thị Ngoan - Ninh Bình đánh giá, Dự thảo luật lần này đã nêu rõ được trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các cấp trong vấn đề VSATTP. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần bổ sung chức năng quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Khoa học và Công nghệ vì thực tế, Bộ này đã tham gia vào quá trình quản lý an toàn thực phẩm khá tốt.

Theo giải thích của đại biểu Ngoan, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện nhiệm vụ xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng về thực phẩm. Bộ này cũng xây dựng các quy chế phối hợp tổ chức, thanh tra, kiểm tra của từng bộ, ngành. Ngoài ra bộ này còn có hệ thống Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục quản lý chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng đủ năng lực kể cả lực lượng thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, việc đưa thêm Bộ Khoa học và Công nghệ vào trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp.

Nhất trí việc quản lý Nhà nước về VSATTP là phải phối hợp đa ngành nhưng đại biểu Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, bổ sung quy định trách nhiệm của ngành công an, Bộ Khoa học và Công nghệ đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đại biểu Huỳnh Phước Long - Trà Vinh cũng đề nghị, cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó cần đặc biệt làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp.

Băn khoăn vì các quy định của dự luật chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý, công tác quản lý VSATTP, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn nói: “Về ý kiến cá nhân, tôi rất mong muốn chúng ta thành lập Ủy ban an toàn thực phẩm quốc gia. Các đại biểu khó có thể đồng tình với đề xuất của chúng tôi bởi vì chúng ta lo bộ máy nhà nước cồng kềnh… Trong điều kiện nước ta Bộ Y tế phải gánh trách nhiệm rất lớn là khám chữa bệnh và nhiều vấn đề phải lo. Nếu thêm cho Bộ Y tế việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là nặng. Chúng ta có thể lo bộ máy cồng kềnh, nhưng ta tập hợp tất cả những người đang làm công tác này thành lập mới cơ quan thì cũng không có gì cồng kềnh hơn”.

Theo đại biểu Thuyết, Bộ Y tế chỉ nên thay mặt Chính phủ quản lý một cách thống nhất, còn các bộ, các địa phương quản lý trong phạm vi ngành của mình, Bộ Y tế đi kiểm tra và kiểm tra đến ngành nào, địa phương nào “có chuyện” thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý. Hơn nữa, muốn quản lý tốt thì phải gắn với trách nhiệm. Bộ, ngành nào, địa phương nào để xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng thì người đứng đầu nơi ấy phải chịu trách nhiệm.

Cùng chung quan tâm về trách nhiệm quản lý Nhà nước về VSATTP, đại biểu Trần Thế Vượng - Hải Dương cho rằng, các quy định trong Chương X về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa rõ ràng. Ông đề nghị cần làm rõ từ tên cơ quan, từ hoạt động và mối liên hệ giữa thanh tra, kiểm tra với trách nhiệm của các Bộ trưởng cũng như Ủy ban nhân dân.

“Chúng tôi thấy chương này trên cả ba lĩnh vực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm, rồi cơ quan kiểm tra Nhà nước... tất cả những cái đó đều phải được làm rõ từ tổ chức bộ máy đến mối quan hệ trong hoạt động, nếu không thì triển khai thực hiện chương này trên thực tế là rất khó khăn”, ông nói.

Khung xử phạt phải thật cao mới đủ sức răn đe

Nnhiều đại biểu khi góp ý về các điều khoản liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP cho rằng, dự luật tuy đã đổi mới và nâng khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP nhưng vẫn còn nhẹ.

Đại biểu Võ Thị Dễ - Long An cho rằng, việc quy định mức tiền phạt căn cứ vào hành vi vi phạm và được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ, nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật… đã đổi mới căn cứ xử phạt, tức là xử phạt theo giá trị thực phẩm vi phạm, khắc phục được vấn đề xử phạt theo khung cũ hiện không còn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Dễ đề nghị, Chính phủ nên quy định cụ thể trường hợp nào phạt gấp 1 lần, trường hợp nào phạt gấp 7 lần để tránh xảy ra tiêu cực.

“Đối với những trường hợp không xử phạt được những vi phạm theo số lượng sản phẩm thì luật cũng đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm về điều kiện sản xuất hay về thủ tục hành chính, đề nghị nên có khung phạt đủ mạnh để đủ sức răn đe và phòng ngừa những vi phạm”, đại biểu Dễ nói.


Đại biểu Dương Kim Anh - Trà Vinh cho rằng, nên lấy một mức phạt cao nhất là gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, bởi vì nếu để khoảng cách giao động từ ít nhất đến nhiều nhất không quá 7 lần dễ xảy ra tình trạng tiêu cực trong xử lý. Đồng thời, đại biểu Kim Anh đề nghị Chính phủ quan tâm đến những đối tượng nghèo bán hàng rong để nuôi sống bản thân và gia đình có hình thức xử phạt nghiêm nhưng cũng phải xét đến hoàn cảnh và thu nhập của họ.

Chưa hài lòng với quy định "mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính" được ấn định bằng ít nhất thực phẩm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa đã vi phạm đã tiêu thụ”, đại biểu Nguyễn Thị Hoa - TP Hà Nội cho rằng, mức phạt này đối với thực phẩm đã tiêu thụ là thấp, nhất là khi thực phẩm tươi sống có giá trị rất thấp, nếu chúng ta phạt bằng giá trị hoặc 7 lần không đủ tính răn đe.

“Tôi đề nghị phân theo nhóm số lượng. Ví dụ, chúng ta nên phân dưới 10kg hoặc mức thứ hai từ 10-50, mức thứ ba có thể từ 50-100 hoặc trên 100. Vấn đề này ở Pháp lệnh bảo vệ thực vật, Nghị định 26 của Chính phủ đã phân rõ để phạt thuốc bảo vệ thực vật, tôi thấy rất phù hợp”, đại biểu Hoa nói.

Theo đại biểu Hoa, nếu căn cứ thực phẩm đã tiêu thụ mới xử phạt thì cũng rất khó có thể phạt được vì 2 lý do: đa phần các sản phẩm sai phạm trong an toàn thực phẩm thường phát hiện thấy ở những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ, không có hóa đơn hàng hóa… nên không thể xác định được số lượng họ đã tiêu thụ. Thêm vào đó, nếu phát hiện thấy sản phẩm không an toàn bày trên quầy, nhưng người bán lý giải là chưa bán được, có nghĩa là chưa tiêu thụ được thì có phạt không? Nếu phạt thì căn cứ vào quy định nào?

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng - Đồng Nai cũng tán thành việc sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng tương thích với hành vi vi phạm, đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn.

“Thực tế trong thời gian qua do mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận nên nhiều cá nhân, tổ chức sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều cơ sở sản xuất cung cấp thực phẩm mùa trung thu, mùa tết năm nay bị xử phạt, mùa trung thu, mùa tết năm sau lại cứ vi phạm y như thế. Tôi đề nghị nâng mức xử phạt tối thiểu lên gấp 10 lần và mức tối đa thật cao, thậm chí gấp hàng trăm lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ vì những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng khó mà bù đắp được”, đại biểu Hằng nói.

Bổ sung thêm danh sách hành vi cấm

Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Văn Phát - Thanh Hoá, số hành vi bị cấm quy định trong Dự thảo luật là quá nhiều, trong khi đó nhiều khoản không rõ ranh giới của việc cấm hay việc vi phạm hay không vi phạm.

“Để xác định được việc vi phạm hay không vi phạm cần phải có quá trình, quy trình, có tính chất định lượng, như vậy rất khó khăn trong việc xử lý. Ví dụ như nguyên liệu không thuộc loại dùng để chế biến thực phẩm, không thấy quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về loại nguyên liệu không thuộc loại chế biến thực phẩm. Trong khi đó, Điểm b, Khoản 1, Điều 62 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế chỉ quy định ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn về gây hại an toàn thực phẩm với sản phẩm thực phẩm, như vậy mới chỉ quy định về quản lý sản phẩm thực phẩm mà không quy định về quản lý nguyên liệu”, đại biểu Phát ví dụ về điểm chưa phù hợp bất cập của dự án luật.

Từ đó, đại biểu Phát đề nghị nên giao Chính phủ quy định chi tiết các khoản cấm để tránh việc quy định thì nhiều nội dung cấm nhưng giới hạn cấm và phạm vi thực hiện lại khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai - Tây Ninh đề nghị bổ sung việc "cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng", như chai, lọ, hộp, hộp xốp, túi nhựa nilông…

“Tất cả những cái đó có thể gây ảnh hưởng gián tiếp cho thực phẩm hoặc gây ô nhiễm, gây độc hại, chúng ta nên cấm sử dụng, nó sẽ âm thầm gây tác dụng đối với sức khỏe người tiêu dùng”, đại biểu Mai nói.

Đại biểu Mai cũng đề nghị phải xây dựng một hệ thống thu hồi các sản phẩm độc hại và phải có quy định rất cụ thể về việc này để có thể yêu cầu nhà sản xuất và người phân phối thực phẩm dừng sản xuất, dừng tiêu thụ và thu hồi thực phẩm, đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng.

Tán thành đề xuất của đại biểu Mai, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa - Bắc Ninh cũng đề nghị, Quốc hội vừa thảo luận Luật thuế bảo vệ môi trường, có một loại vật liệu là túi nilong, túi nhựa xốp thuộc loại gây ô nhiễm môi trường và phải đánh thuế. Vì thế trong các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Hòa cho rằng, nên bổ sung cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm môi trường để bao gói thực phẩm. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khung xử phạt phải thật cao mới đủ sức răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.