(HNM) - Gần 70 trong tổng số 375 khu vực bầu cử trên khắp Thái Lan không thể mở cửa hoặc chỉ mở cửa một phần bởi lực lượng biểu tình chống Chính phủ do thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban đứng đầu đã dùng rào chắn di động chặn các ngả đường vào nhiều điểm bỏ phiếu.
Dẫu vậy, vẫn có tới 83.813 trong tổng số 93.952 điểm bỏ phiếu hoạt động, đạt tỷ lệ hơn 89%. Tính chung trên cả nước, có 18 tỉnh trong tổng số 77 tỉnh, thành phố của Thái Lan không thể tổ chức hoặc chỉ tổ chức được một số khu vực bầu cử do hòm phiếu không được vận chuyển đến địa điểm bỏ phiếu, không đủ nhân viên hoặc do xung đột giữa người ủng hộ và không ủng hộ chính phủ gây ra.
Lực lượng biểu tình cản trở cử tri tham gia bầu cử ở thủ đô Bangkok. |
Những số liệu thống kê trên được Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan (ECT) công bố ngay sau khi cuộc tổng tuyển cử kết thúc chiều 2-2. Không khí căng thẳng diễn ra trong ngày tổng tuyển cử - đặc biệt tại thủ đô Bangkok và khu vực miền Nam, vốn được coi là "thành trì" của lực lượng biểu tình chống chính phủ, đã phần nào cho thấy cuộc đối đầu quyền lực trên chính trường đất nước Chùa Vàng vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Và thực tế, bất chấp cảnh sát Thái Lan đã triển khai hơn 130.000 nhân viên và sĩ quan cùng 47 đại đội lính nhằm bảo đảm an ninh, những người biểu tình vẫn bao vây các điểm bỏ phiếu, cắm trại trên nhiều tuyến phố khiến giao thông tê liệt, gây khó khăn cho công tác chuyển hòm phiếu và cản trở cử tri.
Diễn ra gần hai tháng sau khi nữ Thủ tướng Yingluck buộc phải tuyên bố giải tán Quốc hội trước sức ép ngày một lớn của những người biểu tình, cuộc bầu cử Hạ viện để chọn 500 nghị sĩ có ý nghĩa quan trọng nhằm mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới sau thời gian dài khủng hoảng. Và xét trên nhiều khía cạnh cuộc tổng tuyển cử này là một thắng lợi của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của lực lượng biểu tình cũng như đảng Dân chủ đối lập, cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra đúng dự kiến. Trong bối cảnh lực lượng biểu tình không ngừng các hoạt động cản trở tổng tuyển cử, việc có tới 89% điểm bầu cử hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này cho thấy, Chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck vẫn chiếm được "cảm tình" của phần lớn cử tri Thái Lan.
Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan đã kết thúc. Ghi nhận của báo chí 24 giờ qua cho thấy, nhiều khu lều trại ở thủ đô Bangkok đã được tháo gỡ khi đám đông những người biểu tình dần giải tán để trả lại hiện trạng giao thông cho thành phố. Thế nhưng, không ai dám chắc cuộc bầu cử gây tranh cãi này có thể chấm dứt được vòng luẩn quẩn của bạo lực chính trị, vốn đã liên tục gây khó khăn cho xứ Chùa Vàng từ khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị quân đội đảo chính năm 2006. Sự kiện nhiều điểm bầu cử không thể mở cửa sẽ khiến nhiều ghế nghị sĩ Quốc hội bị bỏ trống. Một kết cục không mong muốn là dù đảng nào giành chiến thắng cũng không thể thành lập chính phủ mới và Thái Lan tiếp tục rơi vào bế tắc chính trị trong nhiều tháng tới là khả năng khó tránh. Điều đáng nói, ECT chưa thể đưa ra kết qủa sơ bộ cũng như kết quả bầu cử chính thức cho đến khi một loạt cuộc bầu cử phụ được tổ chức tại toàn bộ các địa phương chưa thể tổ chức bầu cử. Đợt bầu cử phụ đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23-2 tới. Theo ECT, các điểm bỏ phiếu bị đóng cửa ảnh hưởng tới khoảng 18% tổng số 48 triệu cử tri đã đăng ký đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử này.
Không còn mạnh như thời kỳ đầu mới phát động biểu tình tháng 11 năm ngoái, người biểu tình đang mất dần niềm tin trước những lời hứa hẹn, nhưng những gì diễn ra thời gian qua cho thấy thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định trong cuộc đua quyền lực trên chính trường Thái Lan. Dù đang bị truy nã theo lệnh của tòa án, nhưng thủ lĩnh biểu tình Suthep vẫn ngang nhiên kích động người dân tham gia chiến dịch "chiếm đóng Bangkok". Không những thế, ngay sau khi cuộc tổng tuyển cử kết thúc, thủ lĩnh Suthep đã lên tiếng đe dọa kiện Thủ tướng tạm quyền Yingluck lãng phí với số tiền lên tới 117,7 triệu USD cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử này.
Dù chưa có kết quả chính thức nhưng các chuyên gia dự đoán đảng cầm quyền Vì nước Thái của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Song có một thực tế mà ai cũng thấy rõ, dù người chiến thắng là ai thì cũng sẽ phải đối mặt với những thử thách đầy cam go từ cuộc khủng hoảng chính trị không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.