Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tại Syria: Vẫn khó kiểm soát

Trung Hiếu| 31/10/2011 06:33

(HNM) - Trong bối cảnh làn sóng biểu tình của người dân phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chưa có dấu hiệu lắng dịu thì những căng thẳng ngoại giao giữa chính quyền Damascus với phương Tây lại bị đẩy lên những nấc thang mới.

Tuần qua, các thượng nghị sỹ Mỹ đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đưa những cáo buộc Tổng thống B.A.Assad phạm tội ác chống lại loài người ra trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này đã rút Đại sứ tại Syria, Robert Ford về nước vì lý do an ninh. Damascus đã đáp trả bằng triệu hồi ngay Đại sứ Syria tại Mỹ về nước.

Trên phương diện quốc tế, sức ép lên Tổng thống B.A.Assad ngày một gia tăng, đòi ông từ chức và thực hiện chuyển giao quyền lực để chấm dứt các cuộc xung đột. Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy cảnh báo EU sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt với Syria do chính quyền nước này không ngăn chặn được làn sóng bạo lực trong nước. Trước đó, EU đã nhiều lần đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống B.A.Assad, kéo dài các lệnh hạn chế đi lại đối với gia đình cũng như những quan chức thân cận của ông Assad, phong tỏa một số ngân hàng và khu vực dầu khí của Syria. Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain còn cảnh báo khả năng can thiệp vũ trang để bảo vệ người dân ở Syria...

Trong khi đó, tại Syria, xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra, gây nhiều thương vong. Lực lượng đối lập đã kêu gọi một làn sóng biểu tình mới phản đối Tổng thống B.A.Assad với khẩu hiệu "Nay đến lượt ông" nhằm ám chỉ chính quyền của Tổng thống B.A.Assad sẽ bị lật đổ giống như ở Libya. Trong một diễn biến mới, tại thành phố Homs, miền Trung nước này, xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã làm gần 10 người thiệt mạng. Trước đó, hồi trung tuần tháng 10-2011, lực lượng an ninh Syria đã bắt giữ 95 đối tượng bị truy nã tại thành phố Homs, thu giữ một lượng lớn vũ khí, máy ảnh kỹ thuật số và nhiều thiết bị thu phát vệ tinh... Theo thống kê, từ tháng 3-2011 đến nay, làn sóng xung đột ở Syria đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng.

Rõ ràng, tìm kiếm một giải pháp toàn diện, triệt để là yêu cầu cấp bách hiện nay cho Syria nhằm tránh hiệu ứng tiêu cực lan rộng ra khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn. Cộng đồng quốc tế đã và đang có những động thái tích cực. Ngày 26-10, phái đoàn cấp bộ trưởng Liên đoàn Arab (AL) và Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi đã tới Syria để tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Theo đó, AL sẽ đưa ra một sáng kiến của các nước Arab thông qua đối thoại sơ bộ giữa chính quyền của Tổng thống B.A.Assad với phe đối lập ở Syria. Trước đó, hồi trung tuần tháng 10-2011, AL đã quyết định thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng, do Qatar đứng đầu, để giám sát tình hình và kêu gọi tiến hành cuộc đối thoại dân tộc giữa chính quyền và lực lượng đối lập ở Syria. Ngoại trưởng Qatar Hamad ben Jassem tuyên bố, mục tiêu của AL là hướng tới việc chấm dứt mọi hình thức bạo lực tại Syria, tạo bầu không khí thuận lợi để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình, cũng như tránh sự can thiệp của nước ngoài hay nội chiến. Quyết định của AL đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân Syria. Hàng trăm nghìn người dân Syria đã đổ xuống các đường phố và Quảng trường Umayyat ở thủ đô Damascus để tuần hành ủng hộ Tổng thống Al-Assad.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích cho rằng, tình hình Syria rất khó có thể tìm được giải pháp đột phá. Cho dù tiến trình cải cách do Tổng thống Assad khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ nhất định của người dân nhưng âm mưu phản loạn của các nhóm khủng bố vũ trang không loại trừ có sự giật dây từ bên ngoài, đứng sau các vụ bạo lực đang dự báo cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ rất khó kiểm soát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tại Syria: Vẫn khó kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.