Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tại Syria: Còn nhiều nhân tố bất ổn

Trung Hiếu| 28/05/2012 06:46

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục bị phủ bóng đen lên triển vọng hòa bình. Vụ việc các quan sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria tìm thấy 92 thi thể, trong đó có 32 trẻ em, tại thị trấn Houla ở tỉnh miền Trung Homs, ngày 26-5, đã dấy lên những lo ngại lớn về an ninh cho quốc gia Trung Đông này.

Dư luận đã đúng khi gọi đó là một "thảm kịch tàn bạo". Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và phái viên của LHQ - Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan đã cùng lên án "hành động tội ác tàn bạo và kinh hoàng" này và là sự "vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế. Ngay sau đó, ngày 26-5, LHQ đã kêu gọi một hành động quốc tế khẩn cấp đối với Syria.

Xung đột, bạo lực leo thang đang phủ bóng đen lên triển vọng hòa bình tại Syria.


Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR), vụ việc xảy ra ngày 25-5 khi quân đội Syria nã pháo vào thị trấn Houla và gây thương vong lớn. SOHR cũng cho biết, cùng ngày, quân đội nước này lần đầu tiên triển khai xe tăng đến thành phố Aleppo, lớn thứ hai Syria, kể từ khi cuộc nổi dậy chống chế độ bùng phát 14 tháng trước. Cũng trong ngày 25-5, đáp lại lời kêu gọi của một số nhà hoạt động dân chủ tiến hành biểu tình (vào ngày 25-5) với khẩu hiệu: "Damascus, điểm hẹn tiếp theo của chúng ta", các cuộc biểu tình rầm rộ chống chế độ đã lan tới các tỉnh miền Bắc là Aleppo và Idlib. Tại tỉnh Idlib, hàng chục nghìn người cũng tuần hành ở những địa điểm do quân nổi dậy kiểm soát gồm Maaret al-Numan, Saraqe, Kafrnoubol, Hass và Sarge. Trong một diễn biến khác, Lực lượng đối lập, Quân đội Syria Tự do (FSA), ngày 26-5, tuyên bố sẽ không tiếp tục thực hiện cam kết của kế hoạch hòa bình do LHQ bảo trợ trừ khi LHQ có hành động can thiệp nhanh chóng...

Rõ ràng, bạo lực, xung đột không ngừng gia tăng ở quốc gia này đã phủ bóng đen u ám lên kế hoạch hòa bình sáu điểm do phái viên của LHQ - AL Kofi Annan làm trung gian. Từ những diễn biến của tình hình, cho thấy, không dễ để thực hiện kế hoạch đó thành công. Vấn đề ở đây là niềm tin giữa các bên phải được khôi phục. Nếu như chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết thực thi kế hoạch hòa bình của đặc phái viên K.Annan thì ngược lại, phe đối lập cũng cần có những thiện chí tích cực để ổn định tình hình. Tiếc rằng, điều này lại không diễn ra như mong muốn. Nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây, đến nay, các tổ chức đối lập ở Syria đã kiểm soát những khu vực "quan trọng" của một số thành phố. Trong khi đó, ngày 25-5, một số quan chức Nhà Trắng còn tiết lộ thông tin đầy bất lợi đối với chính quyền Damascus khi cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị một kế hoạch đồng ý cho một số nước đồng minh Arab cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Hiện tại, một số nước như Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả chính phủ mới ở Libya đã bày tỏ nguyện vọng muốn cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Syria. Nếu sự việc này có thực thì đây là bước đi đầu tiên của Washington theo hướng không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất mà cả vũ khí cho phe đối lập ở Syria nhằm quyết tâm hạ bệ chính phủ đang cầm quyền tại quốc gia Trung Đông này. Nó sẽ càng khiến tình hình ở Syria lâm vào bế tắc.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, số vũ khí chuyển bất hợp pháp vào Syria có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố hoặc làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện giữa các phe phái tôn giáo đối địch tại Syria. Thực tế đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi cách đây không lâu, báo cáo của Ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Syria cho biết, các nhóm chống Chính phủ Syria đang tăng cường sử dụng các loại thiết bị nổ và một loạt vụ nổ gây thương vong lớn cho dân thường dường như được thực hiện bởi các phần tử đánh bom liều chết. Động thái này thừa nhận sự tồn tại của các nhóm vũ trang vốn đang trở thành một thành phần chính trong cuộc khủng hoảng Syria, gây ra các vụ ám sát, đánh bom, cướp bóc mỗi ngày. Còn giới quan sát và các chuyên gia thì cho rằng, đã có bên thứ ba can dự vào vấn đề Syria, không hoạt động theo chính phủ lẫn phe đối lập. Bên thứ ba này gồm các phần tử cực đoan có vũ trang và được cho là liên quan tới mạng lưới khủng bố Al Qaeda.

Hiện tại, bạo lực tại Syria đang rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Trong một nỗ lực mới, dự kiến, vào cuối tháng 5 này, đặc phái viên LHQ Kofi Annan sẽ sớm trở lại Syria. Theo một số nguồn tin ngoại giao, đang có những thảo luận về mở rộng lực lượng giám sát của LHQ tại Syria. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khó có khả năng khai thông bế tắc trong tương lai gần nếu như tất cả các bên chưa cùng một thiện chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tại Syria: Còn nhiều nhân tố bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.