Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng nhập cư: EU đã giữ đúng lời hứa?

Thanh Hà| 04/03/2016 12:18

(HNMO) – Hàng nghìn người nhập cư và tị nạn vẫn đang tiếp tục hành trình tới biên giới châu Âu. Nhưng không phải ai cũng có thể đặt chân tới miền đất hứa.


Những hàng rào mới đang mọc lên, và tình trạng bạo lực đang gia tăng ở biên giới Hy Lạp – Macedonia. EU tiếp tục chia rẽ về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng này, kể cả khi dòng người nhập cư đổ về ngày một đông khi thời tiết ấm lên.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 2, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận, dù tình hình có nhiều cải thiện nhưng một số cam kết chưa được thực thi đầy đủ.

Đăng ký nhập cư ở biên giới: Hiệu ứng domino

Một điểm mấu chốt gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia EU đó là quy định Dublin. Theo đó, các quốc gia nơi người nhập cư đặt chân đến đầu tiên ở châu Âu sẽ có nhiệm vụ cấp giấy đăng ký. Hy Lạp và Italia chính là những nước tiếp nhận số lượng lớn nhất người nhập cư băng qua Địa Trung Hải, nhưng cũng hứng chịu nhiều lời chỉ trích nhất về việc cho phép người nhập cư đi qua lãnh thổ mà không đăng ký. Sau đó, những người nhập cư không phép này lại đổ xô tới Đức và nhiều nước Bắc Âu khác.

Hy Lạp phàn nàn bị quá tải bởi làn sóng nhập cư và yêu cầu các quốc gia EU khác phải cùng chia sẻ gánh nặng. Ủy ban châu Âu đang cân nhắc sửa đổi quy định này, đồng thời cải tiến thủ tục cấp giấy đăng ký.

Tại Hy Lạp, số lượng người nhập cư được lưu trữ dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu đã tăng vọt từ 8% trong tháng 9 năm ngoái lên mức 78% trong tháng 1 năm nay. Còn tại Italia, con số này cũng đã tăng từ 36% lên 87%.

Người nhập cư đứng sau hàng rào ở biên giới Hy Lạp - Macedonia.


Tuy nhiên, EC thừa nhận, quá trình chuyển biến vẫn còn chậm, do việc trì hoãn thành lập các trung tâm tiếp nhận người nhập cư tại khu vực biên giới. Sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Tây Balkan vẫn còn thiếu hiệu quả. Những quyết định đơn phương như đóng cửa hay hạn chế người nhập cư ở biên giới đã tạo ra “hiệu ứng domino”.

“Hậu quả là hàng loạt quốc gia cùng áp dụng chính sách từ chối nhập cảnh theo quốc tịch hoặc từ chối đăng ký nhập cư”, EC thừa nhận.

Điều này đã de dọa sự tồn tại của khu vực đi lại tự do Schengen. Hiệp hội Giám sát Nhân quyền đánh giá việc đóng cửa biên giới Hy Lạp – Macedonia là “một thất bại cay đắng” của EU trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.

Phân bổ người nhập cư: Chậm chạp và nhiều bất cập

Trong tháng 10 năm ngoái, các quốc gia EU đã nhất trí kế hoạch tái phân bổ 160.000 người xin tị nạn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước Trung và Đông Âu. Mục tiêu của việc này là giảm bớt sức ép đối với Hy Lạp, Italia và Hungary. Tuy nhiên, trong tháng 12, Hungary và Slovakia đã khởi kiện kế hoạch này.

Đến nay, chỉ 12 quốc gia thành viên EU tiếp nhận người nhập cư và 5 quốc gia khác vẫn chưa đồng ý tiếp nhận. EC kêu gọi các quốc gia thành viên xem đây là một bổn phận bắt buộc nhưng một số chính phủ thì cho rằng, chỉ nên kêu gọi tinh thần tự nguyện.

Theo thống kê, chỉ có 218 người nhập cư được phân bổ từ Hy Lạp tới nước khác, trên tổng số 66.400 người. Con số này đối với Italia là 279 trên tổng số 39.600 người.

Có thể thấy, quá trình phân bố chậm chạp đã ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người tị nạn tới từ Syria, Iraq và Eritrea.

Một cậu bé trong hành trình tới châu Âu.


Trả người nhập cư về nước: Thiếu hiệu quả

Cơ chế trả người nhập cư về nước của EU đang vấp phải nhiều khó khăn khi một số nước thành viên không thể trục xuất người không đủ điều kiện nhập cư về nước.

Trong năm ngoái, 3.565 người nhập cư đã bị trả về nước nhờ các hoạt động hợp tác với cơ quan giám sát biên giới châu Âu Frontex.

Tại Hy Lạp, chỉ có 16.131 người bị buộc phải về nước, một con số khiêm tốn so với 800.000 lượt người tới châu Âu năm 2015.

Chi phí tài chính: Không ngừng gia tăng


Năm 2015, EU tuyên bố sẽ dành 10,1 tỷ euro (11 tỷ USD) để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Hy Lạp đã được chi 148 triệu euro tiền hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm 80 triệu euro để giúp xây dựng các trung tâm tiếp nhận người nhập cư và tị nạn thông qua Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và thêm 21 triệu USD thông qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Châu Phi và Syria sẽ nhận được 2,3 tỷ euro và 1 tỷ euro sẽ được phân bổ để xây dựng cơ sở vật chất cho người nhập cư ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng nguồn tài chính này dường như vẫn chưa đủ. Mới đây nhất, ngày 3/2, EU đã nhất trí thông qua khoản hỗ trợ 3 tỷ euro để giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện các điều kiện sống cho người nhập cư nhằm giảm bớt số lượng người tị nạn sang EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng nhập cư: EU đã giữ đúng lời hứa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.