(HNM) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran tiếp tục hé lộ những tín hiệu tích cực. Ngoại trưởng Anh William Hague vừa thông báo London và Tehran đã khởi động tiến trình thảo luận để mở lại đại sứ quán của hai nước sau khi quan hệ ngoại giao giữa Anh và Iran sụp đổ vào năm 2011.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran - Ảnh: CNN |
Sau cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng 9, đây là một động thái nữa cho thấy sự ấm dần lên trong mối quan hệ băng giá giữa Iran và phương Tây. Chuyển biến tiếp thêm hy vọng rằng vòng đối thoại sắp tới giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) dự kiến vào ngày 15 và 16-10 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ có những đột phá then chốt. Iran cũng bày tỏ sự thiện chí rõ ràng trước thềm sự kiện quan trọng này với tuyên bố của Tổng thống H.Rouhani Tehran quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân trong thời gian "sớm nhất có thể". Iran đã sẵn sàng làm sáng tỏ những gì vẫn còn được cho là "chưa rõ ràng" trong vòng thương lượng sắp tới, đồng thời kêu gọi nhóm P5+1 đưa ra các đề xuất mới tại cuộc gặp gỡ. Phía Tehran cũng cho biết đã chuẩn bị xong một đề xuất xác đáng và hy vọng các bên có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện. Theo Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, đề xuất trước đó của nhóm P5+1 tại hai cuộc đàm phán ở Kazakhstan - hồi tháng 2 và tháng 4-2013 - không còn giá trị vì được đưa ra trước khi diễn ra cuộc bầu cử mà Tổng thống H.Rouhani giành thắng lợi (tháng 6-2013). Trong đó, có những ý kiến yêu cầu Tehran phải ngừng chương trình làm giàu urani cấp độ 20% và ngừng chương trình làm giàu urani tại cơ sở ngầm Fordo ở thành phố Qom, miền Trung Iran.
Trong khi đó, Washington cũng có những cử chỉ thiện chí. Đầu tháng 10-2013, Thượng viện Mỹ đã tạm hoãn kế hoạch xem xét thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với quốc gia Hồi giáo. Quyết định được đưa ra nhằm tạo bầu không khí thân thiện hơn cho các cuộc đàm phán sắp tới. Cùng thời gian này, bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn, Iran sẽ đưa ra những đề nghị mang đầy tính xây dựng tại cuộc đối thoại ở Geneva. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì nêu rõ, P5+1 trông chờ Iran sẽ cung cấp những bằng chứng thuyết phục về tính dân sự trong chương trình hạt nhân của mình.
Dư luận cho rằng, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là phép thử đầu tiên đối với những đề nghị thương lượng hòa bình mà Tổng thống H.Rouhani đã nhiều lần nêu ra trước quốc tế kể từ khi chính thức lên nắm quyền. Tehran kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình là quyền phát triển hạt nhân dân sự trong khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã ký kết. Và để tạo điều kiện cho hai bên xích lại gần nhau, chính quyền của ông H.Rouhani tuyên bố sẵn sàng mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên quốc tế và yêu cầu Washington cũng phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Vậy là cuộc khủng hoảng hạt nhân bế tắc trong nhiều năm của Iran đã có những diễn biến đầy lạc quan. Tất nhiên, chừng đó chưa đủ để khẳng định cuộc đối đầu giữa Tehran và các cường quốc phương Tây thời gian qua sẽ sớm kết thúc. Còn nhiều rào cản phải vượt qua và cũng vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đối với việc giải quyết tranh cãi hạt nhân tại quốc gia Hồi giáo một cách hòa bình. Israel, một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông, vẫn giữ lập trường cứng rắn với Iran, thậm chí khẳng định Tel Aviv sẽ ngăn cản Tehran sở hữu hạt nhân, kể cả trong trường hợp phải hành động đơn độc. Mặc dù vậy, những nút thắt đang dần được tháo gỡ khiến dư luận thế giới tin tưởng rằng những bất đồng sẽ được giải tỏa và điểm nóng Iran sẽ hạ nhiệt, điều có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm sự ổn định cho khu vực Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.