Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng hạt nhân Iran: Chưa có lối thoát

Trung Hiếu| 04/03/2012 06:55

(HNM) - Iran vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội (ngày 2-3), với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 67%. Theo kết quả sơ bộ, cuộc bầu cử đã củng cố quyền lực của lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Còn với cuộc bầu cử vừa kết thúc, không thấy có tín hiệu nào mới bởi cả hai đối thủ đều theo đuổi đường lối cứng rắn trong vấn đề hạt nhân. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, trong khi Đại giáo chủ Ali Khamenei kêu gọi người dân tích cực tham gia bỏ phiếu để thể hiện "quyết tâm của người dân Iran chống trả những kẻ thù của đất nước" thì, Tổng thống M.Amadinejad nêu rõ, đây là "nghĩa vụ" và thể hiện an ninh quốc gia vững mạnh. Như vậy có thể thấy, dẫu kết quả như thế nào đi nữa thì tham vọng hạt nhân của Iran vẫn sẽ không hề suy chuyển. Đây là điều phương Tây không chờ đợi và cuộc bầu cử cũng đã không cho thấy cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran hiện nay sẽ sớm được hóa giải.

Kết quả cuộc bầu cử QH Iran không thay đổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của quốc gia Hồi giáo này.


Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm buộc Iran phải nhượng bộ về vấn đề hạt nhân đã bắt đầu ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng và thực phẩm nhập khẩu của quốc gia Hồi giáo này. Việc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) thắt chặt cấm vận tài chính khiến Iran khó có thể thu hồi số tiền thu được từ xuất khẩu dầu thô, nguồn thu ngoại tệ chính như là mạch máu kinh tế của quốc gia. Vì thế, Chính phủ Iran buộc phải xem xét các phương thức thanh toán khác trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong một động thái mới, cuối tháng 2 vừa qua, Tehran đã quyết định dùng vàng trong giao dịch mua bán dầu thô và các hàng hóa khác. Theo thống kê, các biện pháp cấm vận của Mỹ và EU đã làm đồng rial của Iran mất giá khoảng 30% kể từ tháng 10-2011, đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao.

Để đáp trả lệnh cấm vận, Iran đã cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ sang Anh và Pháp và dọa đóng cửa Eo biển Hormuz; đồng thời sẽ tiếp tục giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran ra thế giới. Cuối tháng 2-2012, Phó Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Hejazi còn tuyên bố, Tehran sẽ tấn công phủ đầu kẻ thù nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này cảm thấy những lợi ích quốc gia bị đe dọa. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Ramin Mehmanparast nêu rõ, các hoạt động hạt nhân của Iran là miễn bàn luận. Tuy nhiên, Iran cũng phát đi tín hiệu nhằm tháo ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng đang ẩn chứa mầm mống của một cuộc chiến mới ở Trung Đông bằng đàm phán với điều kiện các bên phải đáp ứng yêu cầu chính là công nhận quyền sở hữu công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran. Nhưng, đáng tiếc đây sẽ là điều mà giới chức phương Tây, đặc biệt là Mỹ khó lòng chấp nhận.

Trong một động thái mới, ngày 29-2, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay tuyên bố, Mỹ vẫn tiếp tục biện pháp ngoại giao và gia tăng trừng phạt nhằm ngăn chặn Iran theo đuổi chương trình hạt nhân. Điều Washington đang tập trung thực hiện lúc này là chiến dịch ngoại giao nhằm huy động tối đa cộng đồng quốc tế gây sức ép với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, nhiều lần khẳng định, Washington không loại trừ bất cứ giải pháp nào nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz tuyên bố, không quân Mỹ có thể sẽ tấn công Iran nếu các giải pháp ngoại giao thất bại...

Hiện tại, dư luận cho rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn chưa có lối thoát. Cả Iran và các nước phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Và, đây sẽ là khoảng cách nguy hiểm chỉ chờ một "đốm lửa nhỏ" sẽ khiến “thùng thuốc súng” Trung Đông phát nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng hạt nhân Iran: Chưa có lối thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.