(HNM) - Tương tự như nhiều kế hoạch từng được các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư chưa từng thấy đang làm chao đảo Cựu lục địa, sáng kiến xóa bỏ
Người di cư vẫn ùn ùn đổ về Châu Âu mỗi ngày. |
Là cửa ngõ vào Châu Âu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, hiện Hy Lạp được xem là điểm khởi đầu của "Con đường Balkan", qua Serbia rồi rẽ hai nhánh tới Croatia và Slovenia để đến các quốc gia Tây Âu. Theo Liên hợp quốc, trong tổng số 643.000 người nhập cư trái phép vào EU kể từ đầu năm, có 502.000 người qua các hòn đảo của Hy Lạp. Phần lớn số này muốn tới Đức hoặc Thụy Điển, hai quốc gia trong EU sẵn sàng đón tiếp người nhập cư.
Vì thế, tại Hội nghị thượng đỉnh quy mô hẹp, lãnh đạo 10 quốc gia gồm: Áo, Bulgaria, Croatia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Macedonia, Serbia, Slovenia đã thảo luận về 16 đề nghị nhằm khôi phục sự ổn định việc quản lý và làm chậm lại làn sóng di cư. Tuy nhiên, kế hoạch này đang trở thành đề tài gây tranh cãi mới giữa các thành viên EU trong bối cảnh tồn tại quá nhiều khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia điểm đến (Đức, Áo, Thụy Điển) với các quốc gia trung chuyển (Slovenia, Croatia, Hungary, Serbia, Bulgaria, Rumania và Albania).
Đức hiện không còn kham nổi việc hỗ trợ người nhập cư mong muốn sự phân chia tiếp nhận người di cư dọc tuyến đường Balkan. Trong khi đó, Croatia không chấp nhận trở thành "vùng đệm". Các quốc gia Balkan khác thì thẳng thừng tuyên bố chỉ có thể là các nước quá cảnh. Ngay cả Hy Lạp cũng nhấn mạnh không có khả năng trở thành trung tâm "lưu giữ" người tị nạn Syria. Trong khi đó, Slovenia đang cân nhắc tiếp tục làm theo cách riêng của nước này, tức là dựng hàng rào ở biên giới để ngăn chặn hàng nghìn người di cư từ nước láng giềng Croatia đổ về. Còn Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cảnh báo, quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này - một điểm trung chuyển chủ chốt của người di cư - chỉ có thể tiếp đón tối đa là 2.000 người di cư nếu các nước hành lang EU đóng cửa biên giới. Ông nhấn mạnh Macedonia không được viện trợ tài chính và thiếu thông tin trầm trọng vì quốc gia này không phải là thành viên EU.
Theo các nhà phân tích, nhiều quốc gia không muốn nhận người di cư vì nguy cơ ảnh hưởng tới ngân sách trong khi vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Hy Lạp đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công và những bất ổn chính trị tiềm ẩn khiến xứ sở các vị Thần gần như không có khả năng về kinh tế và nguồn lực để tiếp nhận người nhập cư. Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha... cũng đang chật vật trong chi trả phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc tiếp nhận lượng lớn người nhập cư sẽ là gánh nặng rất lớn cho chi tiêu công của các chính phủ. Một lo ngại rất lớn nữa là xung đột về văn hóa và tôn giáo rất có thể bùng nổ khi phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và Châu Phi vốn đang chất chứa không ít bất bình về khoảng cách giàu - nghèo. Trong khi đó, người dân và chính phủ các nước Châu Âu vẫn chưa sẵn sàng với một cộng đồng Hồi giáo đang ngày một lớn ngay giữa lòng Cựu lục địa.
Trong lúc các nhà lãnh đạo EU vẫn bối rối trong tìm kiếm giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng thì dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ về với con số kỷ lục trong tuần qua. Đáng kể nhất khi có tới 47.500 người nhập cư trái phép đã tràn vào Slovenia - một nước chỉ có dân số 2 triệu người - và 48.000 người đổ vào Hy Lạp, quốc gia cũng chỉ có dân số khoảng 11 triệu người.
Chưa có lối thoát hữu hiệu trong chính sách với người nhập cư đang đe dọa tương lai của "ngôi nhà chung" 28 thành viên. Ngày 27-10, Thủ tướng Áo Werner Faymann thẳng thắn cho rằng, cuộc khủng hoảng nhập cư là hiện thân mối đe dọa nghiêm trọng với EU, có nguy cơ đẩy liên minh đến bờ vực tan rã. Theo nhà lãnh đạo 55 tuổi này, EU đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: Hoặc là một Châu Âu thống nhất hoặc là "sự sụp đổ lặng lẽ của EU". Rõ ràng, đây là một bài toán vô cùng nan giải đối với các nhà lãnh đạo Lục địa già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.