(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine kéo dài suốt 2 tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu được khai thông, bất chấp Tổng thống Viktor Yanukovych đã đưa ra hàng loạt động thái nhượng bộ nhằm xoa dịu tình hình.
Khủng hoảng chính trị đang đe dọa sự phục hồi nền kinh tế của Ukraine. |
Ngày 4-2, lực lượng đối lập vẫn tiếp tục duy trì các cuộc biểu tình tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev dưới cái lạnh âm 20OC. Như vậy, việc Thủ tướng Mykola Azarov từ chức cách đây 5 ngày và ra quyết định ân xá cho hàng loạt người biểu tình bị bắt giữ vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của phe đối lập. Mục đích cuối cùng mà các "chiến binh đường phố" hướng tới là Tổng thống V.Yanukovych phải từ chức, mở đường cho một cuộc bầu cử trước thời hạn và thực hiện sửa đổi Hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống trong tương lai. Giới phân tích cho rằng, những tham vọng mà phe đối lập đang cố gắng thực hiện gần giống như một cuộc "đảo chính mềm" nhằm lật đổ nhà lãnh đạo được cho là thân Nga, với mong muốn thay thế người kế nhiệm có quan điểm gần gũi với phương Tây hơn. Tuy nhiên, việc bất cứ phe phái nào lên nắm quyền trong bối cảnh hiện nay đều không phải là giải pháp toàn diện để bình ổn một quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc tranh giành ảnh hưởng Đông - Tây. Hay nói một cách khác, chừng nào Nga và Liên minh Châu Âu (EU) chưa có những thỏa hiệp để giải quyết bất đồng, "căn bệnh" khủng hoảng chính trị tại đất nước bên bờ Biển Đen này khó có thể được "chữa trị" triệt để.
Những bất ổn leo thang trên chính trường đang kéo theo mối lo ngày càng gia tăng về nguy cơ sụp đổ tiền tệ. Trên thực tế, trước khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát, nền kinh tế Ukraine đã có những dấu hiệu được cải thiện vào đầu quý IV năm 2013 sau 5 quý liên tục giảm phát. Tuy nhiên, những chỉ báo tiêu cực đã quay trở lại trong 2 tháng trở lại đây. Chỉ trong tháng 1, đồng nội tệ hrivnia đã mất hơn 5% giá trị so với đồng USD. Đáng ngại là đà giảm giá đồng tiền diễn ra trong bối cảnh biểu tình chính trị biến thành bạo lực và dự trữ ngoại hối ở mức thấp. Nguy cơ lớn nhất là vòng xoáy mất giá tiền tệ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong bối cảnh đó, nhiều người Ukraine đã chuyển hướng rút tiền tiết kiệm để mua USD hoặc euro, khi nhận thấy giá trị của những đồng tiền tích lũy của họ đang ngày càng co lại. Nhu cầu chuyển đổi sang hai ngoại tệ mạnh nói trên hiện tăng gấp đôi và đang trở thành mối nguy cho kinh tế Ukraine. Trong khi đó, phong trào phản đối ở trung tâm Kiev đã khiến cho nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và một số cơ quan chính phủ bị phong tỏa. Phong trào này cũng lan ra nhiều khu vực, cản trở khả năng hoạt động kinh doanh bình thường. Hiện tại, giới doanh nghiệp nước này đang rất lo lắng về diễn biến khó lường của cuộc đấu đá chính trị hiện nay. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Ukraine vẫn trụ được là nhờ có gói cứu trợ 15 tỷ USD của Nga và xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, nếu chính trường không sớm tìm lại được sự ổn định, thì những đòn bẩy kinh tế sẽ nhanh chóng bị vô hiệu hóa.
Trước tình hình hiện nay, quân đội Ukraine đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống V.Yanukovych thực thi "những biện pháp khẩn cấp" để giải quyết tình trạng bất ổn trong nước và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bộ Quốc phòng Ukraine đã cảnh báo rằng xung đột lan rộng đang đe dọa tính toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, những động thái cứng rắn cũng không được xem là giải pháp hợp lý nếu xét những phản ứng gay gắt từ phương Tây trong thời gian qua cùng những sức ép mà EU và Mỹ đe dọa sẽ áp đặt với Kiev. Vì vậy, Ukraine đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kép về cả kinh tế và chính trị mà chưa thể tìm được lối thoát nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.