Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Chưa có hồi kết

Trung Hiếu| 23/06/2012 05:42

(HNM) - Khủng hoảng chính trị Ai Cập đang đứng trước nguy cơ leo thang căng thẳng dữ dội. Mặc dù, cuộc bỏ phiếu lịch sử bầu cử Tổng thống vòng hai, trong hai ngày (16 và 17-6), diễn ra thành công, được xem là điểm cuối để gác lại mọi bất đồng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này, thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy hiểm họa với xứ Kim Tự tháp chưa phải đã hết.

Hy vọng cho sự ổn định để phát triển của người dân Ai Cập vẫn còn ở rất xa.

Trái với dự kiến ban đầu, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai đã phải lùi lại 3 ngày (chuyển sang 24-6) để Ủy ban bầu cử Tổng thống Ai Cập xem xét những khiếu nại và kiểm lại phiếu bầu. Theo đánh giá của Ủy ban này, đã có nhiều lỗi trong quá trình kiểm phiếu trên khắp cả nước. Đến nay, nhóm vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên Mohamed Morsy và Ahmed Shafiq đã nộp 410 đơn khiếu nại, liên quan tới những tỉnh và khu vực cụ thể, nhất là những nơi có sự khác biệt lớn về số phiếu bầu có lợi cho ứng cử viên khác.

Trước đó, hai ứng viên tổng thống đều tuyên bố thắng cử. Ngày 19-6, tại Cairo, phát ngôn viên của nhóm vận động tranh cử của cựu Thủ tướng A.Shafiq tuyên bố ứng cử viên này đã giành chiến thắng với 51,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng hai. Còn tổ chức Anh em Hồi giáo cũng tuyên bố ông M.Morsy thắng cử với 52,5% số phiếu. Đây chính là mấu chốt tiềm tàng cảnh báo nguy cơ cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Bắc Phi này chưa có hồi kết ngay cả khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử được công bố.

Thực tế, niềm tin của cử tri Ai Cập khi bước vào cuộc bầu cử vòng hai đã bị lung lay và chia rẽ. Bởi cả hai nhân vật họ phải chọn lựa đều là đại diện cho hai trường phái chính trị cực đoan: một bên là hình bóng của chế độ cũ đã bị cuộc cách mạng Mùa xuân Arab lật đổ cách đây hơn một năm và bên còn lại là một chính quyền Hồi giáo dự báo đưa Ai Cập thành một đất nước bảo thủ hơn. Do đó, dẫu bên nào thắng cử cũng đều có thể đẩy quốc gia tới những biến cố khó lường.

Tại cuộc bỏ phiếu vừa qua, điều này đã được thấy rõ. Tâm lý lo ngại đã xuất hiện với cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, tôn giáo khác về khả năng xuất hiện của một nhà nước thần quyền nghiêm khắc với tư tưởng Hồi giáo đóng vai trò chủ đạo. Trong khi đó, khối cử tri không phải là Hồi giáo dồn phiếu ủng hộ ông A.Shafiq mong muốn với sự hậu thuẫn của quân đội, nhân vật từng là tướng không quân Ai Cập sẽ hạn chế được sự thao túng quyền lực của phe Hồi giáo cũng như tái lập được an ninh trật tự.

Nhìn lại những tháng qua, yếu tố chính khiến làn sóng biểu tình, bạo lực, xung đột leo thang là do sự can dự quá lâu và quá sâu của quân đội trên chính trường. Mặc dù, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) đang nắm quyền điều hành Ai Cập, từ tháng 2-2011 sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ đã nhiều lần cam kết chuyển giao quyền lực cho tổng thống mới vào ngày 1-7-2012, cũng như không đứng về phía bất cứ ứng cử viên nào, tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ thái độ nghi hoặc. Những gì vừa diễn ra đã khiến người dân Ai Cập lo ngại hơn khi nghi ngờ quân đội tìm cách tác động để kết quả bầu cử có lợi cho ứng viên được quân đội ủng hộ và tiếp tục can thiệp vào chính trường trong tương lai. Bằng chứng là ngay khi cuộc bầu cử vòng hai đang diễn ra (ngày 17-6), SCAF đã ban hành sắc lệnh sửa đổi Tuyên bố Hiến pháp, theo đó trao cho SCAF nhiều quyền lực hơn, trong đó có cả quyền kiểm soát sửa đổi Hiến pháp, giám sát ngân sách hoặc tuyên bố chiến tranh. Động thái này được cho là SCAF đang cố níu kéo quyền lực. Mâu thuẫn đã bùng phát khi ngày 20-6 các đảng Hồi giáo nước này đã quyết định nộp đơn lên Hội đồng Nhà nước Ai Cập kiện SCAF và người đứng đầu Tòa án Hiến pháp tối cao sau quyết định của cơ quan này về giải tán Quốc hội. Cùng thời gian này, người phát ngôn tổ chức Anh em Hồi giáo Mahmoud Ghozlan cũng cảnh báo về một cuộc "đối đầu nguy hiểm" giữa người dân và quân đội, nếu ông A.Shafiq được tuyên bố là tổng thống mới của Ai Cập. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết, ngày 20-6, quân đội Ai Cập đã tăng cường lực lượng trên tuyến đường nối giữa thủ đô Cairo và thành phố Alexandria. Đây là lần đầu tiên một lượng xe quân sự lớn được triển khai gần Cairo kể từ khi nổ ra làn sóng chống đối lật đổ ông H.Mubarak.

Đám mây đen u ám đã và đang che phủ bầu trời Ai Cập. Cơn bão Mùa xuân Arab quét qua đất nước Bắc Phi này đã để lại nhiều ấn tượng dữ dội về một bài học đắt giá cho nhiều quốc gia trong chặng đường xây dựng và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.