(HNM) - Gần 50 cán bộ đoàn công tác TP Hà Nội đi thăm, làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đứng lặng trước tấm bia làm bằng đá xanh có khắc bài thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt tại đền thờ ông tại Trạm Dịch vụ nghề cá - đảo Đá Tây quanh năm dạt dào sóng vỗ.
Những người lính Trường Sa bảo rằng, kể từ khi đền thờ Việt Quốc công được quân và dân huyện đảo xây dựng, những ngư dân đi biển càng vững lòng hơn trước những cơn sóng cả ở biển Đông và các đảo cũng có thêm điểm tựa tinh thần vì có bậc tiền nhân luôn ở bên chứng giám, phù hộ. Ra đời cách nay hàng trăm năm, song những lời thơ hào sảng của ''Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Nam'' vẫn vẹn nguyên khí phách hiên ngang của con dân Đại Việt.
Biển này là của ta,đảo này là của ta...
Ngồi trong phòng làm việc nhìn ra bốn bề biển cả mênh mông tấp nập tàu thuyền qua lại, Thiếu tá Nguyễn Văn Tĩnh, Đảo trưởng đảo Đá Tây tự hào chia sẻ: Là 1 trong 5 đảo chìm nằm ở phía Nam của Trường Sa, đảo Đá Tây có diện tích vào loại rộng nhất trên quần đảo, ở giữa lại có lòng hồ Đá Tây (nguyên là miệng núi lửa) khá rộng với độ sâu lý tưởng, rất thuận tiện cho các tàu, thuyền của ngư dân vào neo đậu và tránh bão. Do địa hình thuận tiện, trữ lượng hải sản lớn (đặc biệt là cá cơm), lại nằm ngay cạnh đường hàng hải quốc tế nên những năm gần đây, tình hình đánh bắt hải sản trên vùng biển Đá Tây khá nhộn nhịp. Để phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ bà con ngư dân ta yên tâm đánh bắt cá trên biển, những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước, quân đội và các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng nhà lâu bền trên các điểm đảo cùng trang thiết bị hiện đại và Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá chuyên cung cấp dầu máy, nước ngọt và sửa chữa tàu thuyền hư hỏng cho ngư dân... Cũng tại phía tây đảo, Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam đã xây dựng một ngọn hải đăng soi đường cho tàu thuyền đi lại. Giữa biển cả mênh mông, hình ảnh người chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam và ngọn hải đăng Đá Tây đã hòa quyện vào nhau, ngày đêm vững tay súng, bảo vệ bình yên biển trời Tổ quốc. ''Biển này là của ta, đảo này là của ta" - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân mượn lời nhạc phẩm "Khúc quân ca Trường Sa" của tác giả Đoàn Bổng để khẳng định.
Lời thề giữ biển
Đến đảo Đá Tây vào tháng 4, tháng 5 - mùa biển lặng, sẽ thấy một khung cảnh thật nhộn nhịp và thanh bình. Đây cũng chính là ''mùa xây dựng'' ở các đảo, bởi sang đến tháng 6, tháng 7, khi những cơn bão ập đến từ biển Đông thì những cột sóng cao 5-7m sẽ khiến cho các hoạt động trở nên rất khó khăn.
Tại điểm A đảo Đá Tây, khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc công binh đảo đang khẩn trương tu sửa và nâng cấp khu nhà cũ dùng để làm điểm đón tiếp ngư dân. Nguyễn Văn Tri, 28 tuổi, quê Nghệ An, kỹ sư xây dựng đơn vị T3, công binh hải quân cho biết, khó khăn nhất khi xây dựng các công trình trên đảo là thi công phải phụ thuộc vào con nước, bất cứ khi nào con nước xuống (kể cả 1-2 giờ sáng) cũng phải thi công (đổ ta luy) để chạy đua với thời gian. Khó khăn thứ hai là công tác chuyển tải nguyên vật liệu từ tàu lớn, qua bãi san hô, chỉ có thể vào đảo được bằng xuồng. ''Để giải phóng tàu, có khi sóng cao 3-5m, chúng tôi vẫn phải chuyển hàng vào. Biết nguy hiểm đấy nhưng không thể không làm. Khó khăn nữa là địa điểm đảo chật hẹp, không có chỗ để tập kết và bảo vệ nguyên vật liệu. Đau nhất là trận bão số 9 tháng 11-2009, sóng biển đã cuốn trôi của đảo gần 1 nghìn tấn vật liệu. Mà tất cả vật liệu xây dựng, kể cả nước ngọt cũng phải chở từ đất liền ra, rất công phu và tốn kém. Vì vậy, tranh thủ lúc biển lặng, chúng tôi phải thi công bất kể ngày đêm để sớm hoàn thiện công trình'' - Tri bộc bạch. Trần Văn Thắng, sinh năm 1989, quê Hà Tĩnh, lính nghĩa vụ thuộc đơn vị T3, công binh hải quân cũng cho biết, tuy khó khăn, vất vả vì điều kiện sống khắc nghiệt và thiếu thốn nhưng tất cả anh em trong đơn vị đều động viên nhau cố gắng vượt qua. Thắng cũng khoe với tôi là vừa có 2 đoàn ra thăm đảo, bánh kẹo, thuốc lá... anh em dùng thoải mái, nhưng trên hết vẫn là tình cảm của đất liền. "Nhưng cũng chỉ được mấy chuyến đầu năm thôi, cuối năm mưa bão không có đoàn ra thăm, buồn lắm chị ạ'' - Thắng nói.
Đúng như lời Thắng và các đồng đội tâm sự, mặc dù điều kiện sống, chiến đấu, sinh hoạt và lao động trên đảo (nhất là các đảo chìm) rất gian khổ và thiếu thốn, song tất cả đều cố gắng vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.