(HNM) - Tham vọng
Động thái trên được xem là một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại "trở về bên nước Nga" của Tổng thống Ucraina Victor Yanukovych và "xóa sổ" dự án "Tây tiến" đầy ảo vọng của người tiền nhiệm. Đây cũng là một thắng lợi mang tính chiến lược của Mátxcơva trong quá trình giành lại ảnh hưởng tại không gian hậu Xô viết.
Sau những "thành quả" mà cuộc cách mạng Cam đưa lại, quyết định của Quốc hội Ucraina cuối tuần qua được đón nhận như một điều tất yếu phải đến. Quyết định này không chỉ phù hợp với mong muốn của Tổng thống V.Yanukovych mà còn đáp ứng ý nguyện của đa số cử tri Ucraina nếu xét trên kết quả điều tra dư luận gần đây nhất do Viện Xã hội học quốc tế thực hiện: Có đến 53% dân số phản đối việc gia nhập NATO, chỉ có 17% ủng hộ.
Rõ ràng, người dân ở đất nước có diện tích hơn nửa triệu cây số vuông này không còn muốn dính dáng tới quá khứ "màu Cam" cùng những "người hùng" ưa mạo hiểm đã đẩy "cỗ xe" Ucraina xa rời Nga để lao về phía Tây bằng mọi giá với tốc độ chóng mặt. Đáng nói là, trong lúc chưa hoàn toàn có được sự hậu thuẫn chắc chắn từ phương Tây mà đã bị mất chỗ dựa truyền thống, Ucraina trở nên chới với, lẻ loi trên bàn cờ địa - chính trị giữa các nước lớn. Hậu quả, chẳng những Ucraina kiệt quệ về kinh tế và bế tắc về chính trị, mà Kiev còn bị lạc lõng giữa các nước láng giềng trong không gian hậu Xô viết - khu vực vốn có nhiều ràng buộc lẫn nhau cả về lịch sử và lợi ích kinh tế.
Quyết định của Quốc hội Ucraina đã khiến dự án mở rộng về phía đông của NATO thụt lùi một bước đáng kể. Vì từ trước tới nay, với Mỹ và nhiều thành viên của tổ chức quân sự này, Ucraina được kỳ vọng là một nước cờ hiểm nhằm thiết lập hành lang năng lượng vững chắc từ Đông sang Tây, phá vỡ thế độc quyền cung cấp khí đốt của Nga. Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh khi Liên bang Xô viết sụp đổ, NATO do Mỹ đứng đầu tranh thủ tìm cách khống chế Mátxcơva bằng việc mở rộng ảnh hưởng, siết gọng kìm ở những điểm trọng yếu nhất từ Đông đến Nam châu Âu, để can thiệp vào nước Nga. Cụ thế, liên tiếp trong vòng 5 năm (1999-2004), NATO đã ồ ạt tiến hành 2 đợt mở rộng quy mô, thu nạp phần lớn các nước Đông Âu vốn trước đây từng "chung chiến hào" với Nga và rút ngắn đáng kể khoảng cách địa lý giữa NATO và xứ sở Bạch dương.
Tuy nhiên, thế cờ đã hoàn toàn đảo ngược sau chiến sự tại Nam Ossetia do Grudia phát động tháng 8-2008, NATO buộc phải chấp nhận một sự thật không mấy dễ chịu rằng, nước Nga hiện nay không còn là một nước Nga yếu thế thời kỳ những năm 1990 mà là một nước Nga hùng mạnh, tự tin và quyết đoán hơn trong các quan hệ quốc tế. Do đó, việc mở rộng thành viên sang khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga không còn gói gọn trong nội bộ NATO mà còn bị chi phối bởi một yếu tố bên ngoài. Đó chính là Mátxcơva. Lối hành xử phương Tây từng theo đuổi trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã không còn phù hợp và cần xem xét lại.
Như vậy, chỉ trong vòng 100 ngày nhậm chức, Tổng thống V.Yanukovych đã nhanh chóng đưa quốc gia 47 triệu dân trở lại quỹ đạo vốn có, chấm dứt "kỷ nguyên băng hà" giữa Nga và Ucraina. Hai thỏa thuận có ý nghĩa then chốt như: Ucraina gia hạn thêm 25 năm nữa cho căn cứ quân sự Nga tại cảng Sevastopol; Nga cắt giảm 30% giá khí đốt cho Ucraina được ký kết trong thời gian qua là tiền đề cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới. Dư luận quốc tế cho rằng, quan hệ Nga - Ucraina sẽ làm vang lên khúc khải hoàn bên bờ biển Đen trong thập kỷ tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.