Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuấy động vành đai Thái Bình Dương

Đình Hiệp| 06/12/2010 07:18

(HNM) - Trong lúc tình hình bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc tập trận chung dài 4 ngày trên biển Hoàng Hải giữa Mỹ và Hàn Quốc, cuối tuần qua Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ đã bước vào cuộc tập trận chung mang tên "Kiếm sắc". Đây là cuộc tập hợp lực lượng lớn nhất từ trước đến nay của hải quân hai nước ở phía Nam Nhật Bản trên Vành đai Thái Bình Dương.


Cuộc tập trận Nhật - Mỹ được tổ chức theo thông lệ hai năm một lần được hai bên khẳng định không có liên hệ với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhưng với quy mô lớn hơn so với những gì mà Mỹ và Hàn Quốc vừa thể hiện trên biển Hoàng Hải khiến dư luận không thể không liên tưởng tới những gì vừa diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay Mỹ USS George Washington là át chủ bài trong cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ.  Ảnh: Reuters

Với sự góp mặt của 34.000 binh sĩ, 40 tàu chiến, 250 máy bay chiến đấu của SDF cùng khoảng 10.000 quân, 20 tàu chiến và 150 máy bay của Mỹ, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington, "Kiếm sắc" là cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ lần thứ 10 kể từ năm 1986 đến nay.

Các hoạt động diễn tập từ ngày 3-12 kéo dài đến hết ngày 10-12, tại các căn cứ trên khắp Nhật Bản cũng như ở trên không và các vùng biển xung quanh, trong đó chủ yếu ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên. Các bài diễn tập được Mỹ và Nhật Bản phô diễn nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ đồng minh gồm: phối hợp hành động để phát hiện, theo dõi và ngăn chặn tên lửa đạn đạo, bảo đảm quyền kiểm soát trên không, trên biển và bảo vệ các đảo xa…

Với lý do "Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa trực tiếp với khu vực xung quanh chúng ta, đặc biệt là với Hàn Quốc và Nhật Bản", một mặt Mỹ thúc giục Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng với Triều Tiên; mặt khác không ngừng cam kết hỗ trợ hai quốc gia đồng minh này. Những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hình thành ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là sau cuộc đấu pháo căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên hôm 23-11 vừa qua. Cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ đã khiến Trung Quốc - đối tác không thể thiếu trong tiến trình đàm phán sáu bên lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho rằng việc phô trương sức mạnh quân sự cũng như khối liên minh song phương do lịch sử để lại không giúp làm dịu tình hình căng thẳng trong khu vực hiện nay.

Nếu như trong một số vấn đề Mỹ - Nhật - Hàn còn chưa tìm được tiếng nói chung thì những gì đang diễn ra được xem là nhân tố khiến 3 nước gắn kết hơn. Việc Tokyo lần đầu tiên mời quan chức quân đội Hàn Quốc tới quan sát cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ lần này cho thấy, Nhật Bản muốn thấy một hành động thống nhất giữa ba quốc gia Mỹ - Nhật - Hàn trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Không chỉ "đồng thuận" trên mặt trận quân sự, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã từ chối đề xuất một cuộc họp khẩn cấp giữa sáu nước (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) của Trung Quốc để tổ chức một cuộc gặp khác tại Washington, dự kiến diễn ra hôm nay (6-12) để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại đứng trước thử thách mới. Tình hình sẽ khó dự đoán hơn khi Mỹ và Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng tiếp tục các cuộc tập trận hải quân chung trong tháng 12 này. Mặc dù thời gian cũng như địa điểm tiến hành tập trận chưa ấn định, nhưng thông tin trên một lần nữa khiến bán đảo Triều Tiên càng thêm căng thẳng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuấy động vành đai Thái Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.