(HNM) - Đời sống quốc tế luôn biến đổi như một tất yếu, khu vực châu Á không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Một loạt sự kiện diễn ra năm 2010, từ điểm nóng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran đến cuộc chiến sắc màu ở Thái Lan, từ những cuộc "đổi ngôi" lịch sử ở Philippines, Nhật Bản hay những chuyến công du mang theo nhiều sứ mệnh… đã vẽ nên bức tranh đa sắc màu về đời sống ở một trong những khu vực tâm điểm của thế giới. Cho dù một trật tự thế giới mới đang được định hình, châu Á vẫn giữ vai trò trung tâm nhờ vai trò và vị thế quan trọng không thể phủ nhận.
Các nền kinh tế châu Á đang là động lực tăng trưởng toàn cầu. |
Năm 2010 đánh dấu bước phát triển mới của ASEAN - khu vực đóng vai trò động lực phát triển của châu Á trong nhiều năm qua, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và hậu suy thoái. Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", năm 2010 vừa qua Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã cùng các quốc gia thành viên đưa Hiệp hội phát triển vững mạnh trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Không những thế, ASEAN còn đóng vai trò tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu đang nổi lên hiện nay.
Năm 2010 là năm quan hệ ASEAN với các đối tác phát triển vượt bậc. Trong đó đáng chú ý là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 sau 8 năm đàm phán. ACFTA đi vào hoạt động là một bước đi lịch sử trong tiến trình hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, đòn bẩy cho việc trao đổi thương mại khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực diễn ra nhanh hơn. Song điều đó không có nghĩa ACFTA chỉ đem đến những thuận lợi, mà đi cùng với nó là những thách thức khó tránh khỏi, trong đó có lo ngại việc hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể ngập tràn thị trường trong nước khi thuế nhập khẩu được dỡ bỏ hoàn toàn trong 5 năm tới.
Dù còn nhiều bất đồng chưa thể vượt qua, nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, 2010 vẫn là năm hợp tác kinh tế ba bên Trung - Nhật - Hàn gặt hái được nhiều thành công. Là những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, hơn 70% tổng lượng kinh tế của khu vực châu Á và khoảng 2/3 tổng giao dịch thương mại khu vực, việc ba nước Trung - Nhật - Hàn đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) để trở thành hiện thực vào năm 2012 có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua một lần nữa cho thấy sức mạnh và vị thế của các nền kinh tế châu Á, trong đó không thể không kể đến 3 nền kinh tế lớn ở khu vực Đông Á này, những đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ hậu suy thoái.
Trước sự phục hồi nhanh hơn dự đoán của các nền kinh tế khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã phải nâng mức dự báo tăng trưởng của châu Á lên 8,6% trong năm 2010. Sở dĩ tăng trưởng cao hơn dự kiến là nhờ các biện pháp đối phó kịp thời của một số quốc gia trong khu vực cùng với khả năng chống chọi tốt của các nền kinh tế hàng đầu khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... Mức độ phụ thuộc ngày càng giảm vào các thị trường xuất khẩu lớn trước đây đã giúp các nền kinh tế khu vực sớm thoát khỏi ảnh hưởng của cơn bão thế kỷ này.
Không quá khi nói rằng châu Á ngày càng trở thành trọng tâm của thế giới. Năm 2010 là năm mà các nhà lãnh đạo thế giới đẩy mạnh ngoại giao con thoi tới khu vực có vị trí địa - kinh tế cũng như địa - chính trị quan trọng này. Sự quy tụ của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 tại Hà Nội, Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hàn Quốc, Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 tại Nhật Bản… không chỉ chứng tỏ châu Á là điểm đến hấp dẫn, mà còn cho thấy tiếng nói quan trọng của châu Á trên các diễn đàn quốc tế. Như thế không có nghĩa châu Á không phải đối mặt với thách thức, ngược lại các điểm nóng như: Afghanistan, Iraq và bán đảo Triều Tiên… vẫn là thách thức với an ninh toàn cầu năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.