(HNM) - Kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân khu vực nông thôn TP Hồ Chí Minh đang có sự thay đổi lớn cả về vật chất và tinh thần, với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Về "đất thép Củ Chi" những ngày này sẽ cảm nhận rõ hơn những thay đổi ở nơi từng được ví như "vùng đất chết". Những con lộ trải nhựa phẳng phiu xuyên qua các thôn xóm, những nếp nhà cao tầng màu sơn mới nổi bật giữa vườn tược xanh um; đặc biệt là những vựa hoa lan đã xóa đi các dấu tích của chất độc hóa học, bom mìn thời chiến tranh.
Mô hình trồng hoa lan Monkara của anh Bùi Văn Cường là một điển hình làm kinh tế ở ấp Mây Đắng (xã Phước Thạnh). Từ đầu năm 2006, anh Cường đã đầu tư 800 triệu đồng để nhân giống, mở vườn lan diện tích khoảng 3.500m2. Nhờ chăm sóc công phu, lứa hoa đầu tiên với hơn 24.000 giò lan đã giúp anh thu lời cả trăm triệu đồng. Hiện vườn ươm của anh có trên 30.000 cây lan, hằng tháng thu nhập bình quân đạt hàng trăm triệu đồng. "Từ sau khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được phát động, nhiều chủ vườn đã đến học hỏi kinh nghiệm trồng lan và tôi đều hướng dẫn tận tình, với mong muốn nhân rộng mô hình ra toàn huyện" - anh Cường chia sẻ.
Tại xã Phước Hiệp, một số hộ dân đang thực hiện dự án thử nghiệm "Xây dựng mô hình sản xuất hoa cắt cành và nhân giống hoa lan Monkara", cho hiệu quả ổn định và phù hợp với đồng đất. Sau 30 tháng triển khai, ước tính mô hình trồng lan của ông Nguyễn Văn Lanh cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ 1.000m2. Ông Lanh cho biết, nhờ tư vấn của Trung tâm Công nghệ sinh học TP nên kết quả rất khả quan. "Ban đầu tôi đầu tư vào 1.500m2, thấy hiệu quả nên mới đây đã mở rộng thêm, nâng diện tích trồng hoa lan Monkara lên 2.900m2". Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi Võ Văn Tân, huyện đã phát triển được 110ha trồng hoa lan; hoa lan Củ Chi giờ đã xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài các mô hình sản xuất, cơ sở hạ tầng tại các xã xây dựng NTM ở Củ Chi cũng được đầu tư đồng bộ, rút ngắn khoảng cách ngoại thành với nội thành. Là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước, tính đến nay xã Tân Thông Hội đã có khoảng 1.300 hộ nông dân hiến tổng cộng 34.000m2 đất để làm đường và xây dựng công trình, vật kiến trúc, tổng trị giá trên 60 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi xây dựng NTM, Tân Thông Hội thu hút thêm hơn 100 doanh nghiệp vào đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 159 đơn vị, thuộc nhiều lĩnh vực như chế biến cà phê, đồ gỗ, trồng rau sạch... Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như bò sữa, rau an toàn, hoa lan, cây cảnh, cá cảnh… Hiện, bình quân thu nhập đầu người ở Tân Thông Hội đạt 28,66 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm còn 636 hộ…
TP Hồ Chí Minh hiện có 58 xã ở 5 huyện ngoại thành. Ngoài xã điểm Tân Thông Hội, từ nay đến cuối năm 2012, TP phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu NTM ở 5 xã Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ). Đến năm 2015, thêm 22 xã sẽ hoàn thành xây dựng NTM (gồm 9 xã ở Củ Chi, 5 xã ở Hóc Môn, 4 xã ở Bình Chánh, 2 xã ở Cần Giờ và 2 xã ở Nhà Bè). Giai đoạn 2015-2020, sẽ có 100% xã trên địa bàn TP đạt tiêu chuẩn NTM. Theo Sở NN& PTNT, từ khi triển khai chương trình NTM, toàn TP đã xây dựng 364 công trình, thành lập 5 HTX và 38 tổ hợp tác, đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn; TP không còn nhà tạm, nhà dột nát... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết, từ nay đến năm 2020 TP đặt ra mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ và quy hoạch đô thị; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.