Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Chưa tìm thấy mùa xuân

Vân Khanh| 18/03/2013 07:21

(HNM) - Phiên họp bắt đầu vào tối muộn và kết thúc lúc quá nửa đêm với quyết định sẽ tung gói cứu trợ để chống đỡ với nguy cơ vỡ nợ của Cộng hòa Síp là một trong những kết quả đáng kể nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Mùa xuân của Liên minh Châu Âu (EU) vừa khép lại vào cuối tuần qua tại Brussels (Bỉ).

Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao tại Châu Âu.



Ngay sau quyết tâm chính trị của các lãnh đạo EU, cuộc thảo luận kéo dài suốt 10 giờ giữa các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dẫn tới một thỏa thuận mà đảo quốc Địa Trung Hải mong đợi bấy lâu. Khoản giải cứu 10 tỷ euro được "gõ búa" như dòng nước hứa hẹn sẽ "tưới mát" quốc gia đang khô hạn trong nợ nần.

Thấp hơn đề xuất 17 tỷ euro mà Síp mong muốn, song trong bối cảnh nền kinh tế chiếm 0,2% tỷ trọng trong Eurozone này đã kiệt quệ thì động thái của hai chủ nợ - EU và IMF được xem là đúng lúc. Trước đó, đã có nghi ngại rằng lời thỉnh cầu của Nicosia có thể sẽ rơi vào im lặng, ít nhất trong giai đoạn hiện nay khi một số nhà tài trợ tỏ ra không tin tưởng vào khả năng cải cách để đổi lấy cứu trợ của đảo quốc xinh đẹp này. Chưa đầy hai năm, kinh tế Síp đã hai lần rơi vào suy thoái và các hoạt động kinh doanh đã giảm 2,3% trong quý III-2012. Không chỉ 6 quý liên tiếp cài số lùi, triển vọng của nền kinh tế được đánh giá khó mà thoát khỏi suy thoái trong năm 2014 khiến hòn đảo lớn thứ ba tại Địa Trung Hải liên tiếp mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Vì thế, quá trình đàm phán cứu trợ dù chậm chạp nhưng kết thúc bằng một sự đồng thuận mang tính sống còn với Chính phủ của Tổng thống Demetris Christofias thật sự mang lại nhiều ý nghĩa. Với ngân khoản cứu trợ vừa có, Nicosia có thể "chống lưng" cho những ngân hàng đang hấp hối mà không cần tới 17 tỷ euro như đệ trình, khoản tiền mà EU và IMF cho rằng sẽ gây "sốc" cho một cơ thể đang quá ốm yếu như Síp.

Như vậy, sau thỏa thuận ở Brussels, đảo quốc rộng hơn 9.200km2 đã trở thành quốc gia thứ năm tại Eurozone phải nhận cứu trợ tài chính. Đây có thể là niềm mong mỏi của Síp nhưng ở khía cạnh nào đó không phải là tin vui với Eurozone. Với việc thêm một thành viên nữa trở thành "con tin" của các chương trình hỗ trợ tín dụng từ bên ngoài, Châu Âu dường như đang đuối sức trong cuộc chiến chống "quái vật nợ công". Đến thời điểm hiện tại, ngoài những khoản cứu trợ bắt buộc phải thông qua, những cuộc họp với mật độ khác thường ở các cấp khác nhau chỉ để bàn thảo việc cải thiện chính sách hay các giải pháp cần áp dụng cho thấy Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi bóng ma nợ nần. Thực tế là Cựu lục địa vẫn suy thoái và cơn bão nợ công vẫn chưa ngừng thổi những luồng gió gây ớn lạnh. Cuộc tập hợp mới nhất của EU cũng vậy. Cho dù phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy nhận thức rõ rằng Lục địa già vẫn đang trong tình trạng đáng lo ngại, nhưng về cơ bản những người đang chèo lái con tàu Châu Âu vẫn chưa có được đáp án tối ưu để giải mã cơn khủng hoảng.

Không gây lo lắng với những tranh luận gay gắt về một Châu Âu sẽ tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" hay nới lỏng tài chính để thúc đẩy tăng trưởng hoặc làm cách nào để cải thiện thị trường việc làm, thúc đẩy cải cách chính sách…, cuộc gặp thượng đỉnh vừa kết thúc đã trôi qua khá yên ắng. Không một sáng kiến mới nào được đưa ra chứng tỏ giới lãnh đạo Cựu lục địa vẫn chưa tìm ra điểm bắt đầu để cởi nút thắt đang bó chặt nền tài chính châu lục.

Khi những người cầm cân nảy mực của EU đang gặp gỡ tại Brussels, hàng nghìn người từ Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và Anh… đã biểu tình ngay tại Quảng trường Cinquanternair cách đó không xa để phản đối các chính sách "thắt lưng buộc bụng". Cùng với các cuộc xuống đường lớn ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha trước đó cùng chung một nguyên nhân hoàn toàn có thể nhận định rằng: Châu Âu đang trải qua một thời kỳ xã hội đầy phức tạp bắt nguồn từ những khó khăn về kinh tế. Với tỷ lệ thất nghiệp toàn Eurozone trong tháng 1 đã lên đến 11,9%, trong đó, số thanh niên không việc làm cao đến mức kỷ lục 24,2%, Châu Âu đang cần những bước đi nhanh hơn để an lòng dân chúng. Đáng tiếc, một giải pháp khả quan được chờ đợi sau cuộc gặp thượng đỉnh vẫn chưa đến với Eurozone. Cựu lục địa vẫn chưa tìm thấy mùa xuân thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Chưa tìm thấy mùa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.