Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia được quy hoạch vẫn ở Ba Đình

Lan Hương| 24/08/2010 01:00

(HNMO) - Trong những ngày gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin về ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo góp ý cho Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050...


Để các cơ quan thông tin đại chúng và dư luận có cái nhìn sáng tỏ về các vấn đề trên, chiều 23/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã chủ trì cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi về các vấn đề liên quan đến đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, việc xây dựng Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia tại Ba Vì đã không còn được đề cập trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Bởi sau thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội (ngày 15/6/2010) về đồ án Quy hoạch này, vấn đề xây dựng Trung tâm hành chính tại Ba Vì không được đưa ra. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội là báo cáo chính thức và thành phố Hà Nội biết rõ điều này. Điều đó cũng có nghĩa là kiến nghị của Thành phố Hà Nội không còn có trong đồ án. Đồ án Quy hoạch chung hiện nay xác định khu vực Ba Đình hiện tại vẫn là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia.

Bên cạnh đó, Hà Nội có đề xuất địa điểm xây dựng mới trung tâm hành chính quốc gia mới tại Tây Hồ Tây và Mỹ Đình. Thực tế, các bộ ngành của Hà Nội đang xây dựng ở khu vực này nên không cần thiết đề xuất. Đồ án quy hoạch hiện nay dựa trên cơ sở định hướng quy hoạch kinh tế xã hội của Hà Nội năm 2020, tầm nhìn 2030.



Sa bàn Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.


Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tại sao Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội vẫn có tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì và tuyến đường này có khác so với trục Thăng Long trước đó? Thứ trưởng cho biết, đường Hồ Tây - Ba Vì bản chất vẫn như trục Thăng Long, do Hà Nội đã có Đại lộ Thăng Long (trước đây gọi là Láng - Hòa Lạc) nên phải thay đổi tên trục Thăng Long. Nếu không có tuyến đường này, lưu lượng giao thông sẽ dồn lên Quốc lộ 32 và đường Láng - Hòa Lạc. Trong khi dự báo các đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây sẽ tăng lên thành 1 triệu dân vào năm 2030, thì 2 tuyến đường trên sẽ không đủ chịu tải. Hà Nội cần có tuyến đường kết nối từ Đông sang Tây. Hơn nữa, các quốc lộ hiện nay đều có đường kẹp phụ trợ. Do đó, đường Láng - Hòa Lạc cần có đường đi cùng với nó là Hồ Tây - Ba Vì.

Thực tế, trục Hồ Tây - Ba Vì đã có ý tưởng từ đồ án quy hoạch Hà Nội năm 1998, ngoài ra, còn có mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế. Khi cần thiết, đường này có thể là đường băng cho máy bay như ở Singapore đã áp dụng.

Hà Nội hiện đang quá tải lưu lượng giao thông. Thứ trưởng e rằng mở thêm tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì vẫn còn chưa đủ, phải có quy hoạch để giữ đất, nếu không các dự án sẽ lấp vào đó. Đơn vị tư vấn lập đồ án đã tính toán kỹ lưỡng, song quyết định thuộc về Thủ tướng. Về góc độ chuyên môn và quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng thấy cần đề xuất xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì.

Ngoài ra Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Xây dựng đã ký 3 biên bản thanh tra các dự án trên trục Hồ Tây - Ba Vì và hiện không có dự án nào đang xây dựng. Chỉ có một vài dự án nhỏ như Kim Chung - Di Trạch đã san lấp mặt bằng, còn giai đoạn 2 của dự án Vân Canh đã bị dừng lại chờ quy hoạch chung.

Mặt khác, qua việc Hà Nội kiến nghị “thừa” của Hà Nội, nhiều nhà báo băn khoăn về công tác xây dựng Đồ án quy hoạch giữa Hà Nội và Bộ Xây dựng chưa có sự phối hợp hiệu quả. Thứ trưởng khẳng định, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội là cơ quan đầu mối với Hà Nội, từ trước đến nay chưa có vấn đề vướng mắc nảy sinh. Việc góp ý của UBND TP Hà Nội về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này có nhiều chi tiết kỹ thuật và là việc làm theo thông lệ. Cục Phát triển Đô thị sẽ tiếp nhận, bảo lưu và nếu cần thiết có thể chỉnh sửa đồ án.

Tại buổi họp báo, các nhà báo cũng đặc biệt quan tâm đến việc Bộ Xây dựng sắp tiến hành trưng bày mô hình quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 có trị giá tới 3 triệu USD, trong khi có ý kiến cho rằng sẽ rất lãng phí?

Về vấn đề này, Thứ trưởng giải thích, có tất cả 14 mô hình lớn nhỏ, trong đó có 2 mô hình lớn, rộng 710m2 và 200m2, còn lại là các mô hình có diện tích từ 25 - 50 - 60m2 mô phỏng đồ án sự phát triển của đô thị Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội trung tâm, Hà Nội xưa… Kinh phí làm mô hình do Công ty POSCO (một thành viên trong liên danh tư vấn PPJ) tài trợ trị giá 2,8 triệu USD và Công ty Tinh Vũ (nhà tư vấn làm mô hình quy hoạch nổi tiếng của Thượng Hải, Trung Quốc) hỗ trợ trị giá 350 nghìn USD. Bên cạnh các bản vẽ kỹ thuật, mô hình giúp người xem hình dung dễ hơn về diện mạo đô thị. Còn đồ án Quy hoạch chung được đưa ra thẩm định và phê duyệt tới đây phải là hồ sơ kỹ thuật và việc triển khai quy hoạch, hay thi công các công trình cũng sẽ thực hiện theo hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ kỹ thuật, không phải là mô hình. Các mô hình nói trên sẽ được triển lãm cho đông đảo công chúng đến xem tại Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia ở Mỹ Đình. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ hoàn thành tiếp quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Thứ trưởng cho biết thêm: “Trong quá trình triển khai lập dự án, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội luôn có sự phối hợp thường xuyên. Hiện nay, tiến độ nghiên cứu lập dự án vẫn bảo đảm kế hoạch đề ra. Dự kiến, cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2010, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ họp phiên thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia được quy hoạch vẫn ở Ba Đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.