(HNM) - Không điện thoại, không internet, không truyền hình cáp là thực tế cuộc sống hiện nay của hơn 30 hộ gia đình ở ngõ 196, đường Cầu Giấy cũ (nay là đoạn số nhà 20 đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài). Sự việc kéo dài đến nay là gần 2 tháng và chưa biết bao giờ chấm dứt.
Không có truyền hình cáp, nhiều hộ dân ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài không thể xem được tivi… |
Chỉ chiếc tivi đang nhiễu sóng nhoằng nhoằng không thể nhìn rõ hình ảnh và nghe rõ âm thanh, ông Trần Hà (ngõ 47, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài) ca thán, kể từ khi cột điện ở đầu ngõ bị dỡ bỏ kéo theo bao đường cáp trên đó bị thu hồi khiến tất cả các đường truyền dùng cho thiết bị điện tử mất liên lạc. Không có cáp truyền hình, tivi không xem được, không có internet máy tính không dùng được, điện thoại cố định không thể kết nối. Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì thiếu những tiện ích quan trọng này.
Mặc dù nhà ông Hà và mấy hộ nữa đã rủ nhau mua chiếc ăng ten râu bắt sóng tivi nhưng kết quả rất tồi vì ăng ten này không tương thích với loại tivi ông đang sử dụng. Các con ông đang học đại học, rất cần tra cứu thông tin trên mạng internet cũng bó tay và khi hạn nộp bài đến gần thì phải đến nhà bạn bè ở nhờ để tiện học hành.
Theo người dân trong ngõ, việc dỡ bỏ cột điện kèm theo cắt đứt các đường cáp thông tin là việc của các cơ quan dịch vụ với nhau, nhưng liên quan đến cuộc sống của người dân mà không thông báo là thiếu tôn trọng khách hàng. Điều khiến người dân tăng phần bức xúc hơn, khi triển khai dịch vụ, các nhân viên tiếp thị gọi điện tận nơi chào mời, lắp đặt dịch vụ và thu tiền tại nhà. Nhưng khi có sự cố xảy ra, gọi rất nhiều cuộc điện thoại vào số máy của các đơn vị cung cấp dịch vụ đều không có tín hiệu.
Đôi lần kết nối được với tổng đài, người dân được hướng dẫn phải làm đơn đề nghị và gửi trực tiếp tại trụ sở văn phòng các đơn vị này. Ngay cả đề nghị hoàn lại tiền đã đóng cũng không được hồi âm. Bất đắc dĩ, người dân "kêu cứu" đến chính quyền quận Cầu Giấy, được hướng dẫn liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội...
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn về sự việc này, phóng viên được ông Thái Hùng - Tổ phó Tổ dân phố 24, phường Quan Hoa cho biết, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được thành phố giao UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, ngoài hạng mục làm đường còn có các hạng mục cây xanh, chiếu sáng và nhất là hào kỹ thuật để đi dây cáp ngầm. Hiện tại, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài đã thông xe, nhưng chưa hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao nên chưa xác định được cơ quan quản lý tuyến đường, từ đó chưa thể ký kết hợp đồng đầu tư hạ tầng với các đơn vị chức năng khác. Như vậy, cho dù người dân có "kêu" đến Sở Thông tin và Truyền thông thì cũng khó có thể được đáp ứng yêu cầu.
Thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết sự vụ liên quan đến đời sống nhân dân, là nhận xét của ông Đặng Duy Chung - người đang chịu đựng cuộc sống "ba không". Theo ông Chung, khi hạ tầng đường Nguyễn Văn Huyên mới chưa bàn giao để phục vụ kết nối tín hiệu thông tin thì phải duy trì hệ thống cũ bảo đảm cuộc sống người dân ổn định. Khi đường truyền mới sẵn sàng, việc chuyển đổi nguồn chỉ khiến người dân chờ đợi vài ba hôm chứ không phải là hàng tháng trời như hiện nay.
Từ khi người dân có đơn, phản ánh mất tín hiệu đường truyền, chưa thấy một nhân viên hay lãnh đạo đơn vị cung cấp dịch vụ nào đến làm việc chứ đừng nói đến việc xin lỗi hay hoàn lại tiền hay bồi thường thiệt hại, dù trong hợp đồng cung cấp dịch vụ luôn có điều khoản quy định trách nhiệm của hai bên cùng phối hợp giải quyết sự cố trên tinh thần tôn trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích.
Đến bao giờ người dân ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài mới có tín hiệu thông tin để trở lại cuộc sống bình thường, người dân phải chờ đợi một tháng, hai tháng hay lâu hơn nữa là câu hỏi chưa có lời giải đáp?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.