Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Thu Hằng| 25/12/2021 16:00

(HNMO) - Thời gian qua, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã ghi nhận nhiều dấu ấn trong việc thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng để chứng minh rằng, đây chính là trung tâm công nghệ cao của Hà Nội và cả nước. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Quang Duy

- Hà Nội đang tích cực mở rộng, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những dự án công nghệ. Trong thời gian qua, cùng với thành phố, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có những động thái gì để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài đầu tư, thưa ông?

- Thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thông qua đó sẽ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của vùng Hà Nội cũng như là động lực lan tỏa ra cả nước.

Các công việc mà chúng tôi chuẩn bị trong những năm qua là: Tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tích cực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, kết nối trực tiếp với các hạ tầng của Thủ đô; đề xuất những chính sách, cơ chế quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển khu cũng như nhà đầu tư; tích cực cải cách thủ tục hành chính thông qua việc hiện thực hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước để ứng dụng vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc một cách minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng nhất với các nhà đầu tư và tiến tới thực hiện điện tử hóa một số thủ tục hành chính theo lộ trình mà chính phủ cũng như của Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra.

Về các dự án đầu tư, không vì mục tiêu thu hút nhanh để lấp đầy, với mỗi dự án, chúng tôi đều phải xem xét, đánh giá bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về khu công nghệ cao, bảo đảm các quy hoạch, định hướng phát triển khu cũng như định hướng phát triển của vùng Thủ đô. Đó là: Nguồn nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới công nghệ cao, các sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư phải hình thành một hệ sinh thái cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 - Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc thời gian qua?

- Đến nay, Ban quản lý đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha. Riêng năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng vẫn thu hút được 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng.

Đặc biệt, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau, cụ thể: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc) với dự án sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp (vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD); Tập đoàn Nissan Techno và Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) với 2 dự án trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mô đun nhiệt hiệu năng cao, mô tơ điện một chiều không chổi than (vốn đầu tư khoảng 375 triệu USD)…

Tại đây, có các dự án hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp các nước: Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) (35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc); dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc); dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam và dự án Đại học Việt Nhật (hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); dự án Đại học Việt - Pháp (hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp)…

Hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực công nghệ cao đã được chú trọng để có thể đào tạo và cung cấp các công nhân, kỹ thuật viên có trình độ tay nghề cao, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao cho khu và cả nước. Hiện tại, khu có khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động đang làm việc. Khu đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học, trang thiết bị y tế; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ tự động hóa…

Nhiều sản phẩm công nghệ cao như công nghệ 4G, 5G, rada cảnh giới biển, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… được sản xuất tại đây.

Khu cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa, triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub”, phối hợp với các đơn vị khác để đầu tư, xây dựng trang thiết bị phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật cần thiết hỗ trợ các nhóm ươm tạo phát triển công nghệ, sản phẩm theo hình thức hợp tác công - tư…

 Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) - nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, là viện nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam có thế mạnh về nghiên cứu, bào chế thực phẩm chức năng chất lượng cao phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong ảnh: Kỹ thuật viên của Viện Thực phẩm chức năng phân tích các hoạt chất có trong sản phẩm. Ảnh: Quang Duy

- Việc phát triển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao có ý nghĩa như thế nào với Hà Nội trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, thưa ông?

- Để xây dựng thành phố thông minh thì hội tụ rất nhiều yếu tố, từ con người, trang thiết bị, cho tới chính sách, quy định và ứng xử của người dân. Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chúng tôi nhận thức được rằng, một trong những đóng góp cho lộ trình xây dựng thành phố thông minh, đặt nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ thông minh trong hệ thống trang thiết bị để giúp vận hành thành phố thông minh, sản xuất được những sản phẩm phục vụ cho hệ thống thông minh đó.

Bên cạnh đó còn là việc đào tạo đội ngũ nhân lực để vận hành và chuyển tải thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng và thực hiện hệ thống thông minh của thành phố, từ chiếu sáng, giao thông... đến kiểm soát an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi đặt kế hoạch là xây dựng những mô hình thí điểm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau có thể nhân rộng ra, chuyển giao công nghệ những mô hình đó.

Chẳng hạn, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống điều khiển theo dõi thông minh trong phạm vi một số nhà máy, một số khu chức năng trong khu về hệ thống chiếu sáng, hệ thống đèn đường theo dõi giao thông và từ những theo dõi thực tế đó có những phần mềm đã được mã hóa để đưa ra những giải pháp điều chỉnh phù hợp.

- Để Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực sự là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao, xin ông cho biết những trọng tâm công tác cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới?

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chúng tôi sẽ hoàn thiện đề án này để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022, làm định hướng phát triển khu trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong tình hình mới, phù hợp với Nghị quyết số 50/NQ-TƯ ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh việc kêu gọi những dự án đầu tư về hạ tầng xã hội, chúng tôi cũng kêu gọi đầu tư những dự án mang tính chất dẫn dắt, lan tỏa. Đó là những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ có nhiều khả năng thu hút nguồn lực nghiên cứu và phát triển; giúp nền kinh tế khu vực thích ứng hiệu quả với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng toàn cầu hóa và các thách thức toàn cầu; phát triển các sản phẩm công nghệ cao là các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi đặt mục tiêu trong 3-5 năm tới, phải giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và kết nối trực tiếp với các hạ tầng của Thủ đô. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiến tới thực hiện điện tử hóa một số thủ tục hành chính.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.