(HNM) - Đúng như lời bài hát
Trường Sa thân thương, gần gũi
Đúng như lời bài hát "Gần lắm Trường Sa", huyện đảo hôm nay tuy xa đất liền hàng trăm cây số, nhưng khoảng cách đó được thu hẹp bởi sự quan tâm thường xuyên của "đất mẹ" nói chung cũng như của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên một vóc dáng mới cho Trường Sa, thân thương mà gần gũi.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Ảnh: Xuân Chính |
Ở các điểm đảo, nhà giàn, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư, tiện nghi khá đầy đủ, nhà cửa gọn gàng, có phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp, phòng họp, phòng đọc sách báo, với các thiết bị quạt điện, tủ lạnh, tivi, điện thoại, máy tính nối mạng và nhiều cán bộ, chiến sĩ có Ipad, điện thoại di động, để có thể "gặp" người thân bất cứ lúc nào. Tại đảo chìm Đá Tây B, đảo nổi Song Tử Tây hay sắp tới là Tốc Tan B, nhà văn hóa đa năng đã và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tăng cường sức mạnh phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại nhiều đảo nổi, bóng cây bàng vuông, phong ba bão táp… giờ đã xum xuê, tạo không khí thoáng mát, trong lành, xua tan nắng nóng, chắn gió bão, mưa giông. Màu xanh bao phủ như minh chứng cho sự sinh sôi nảy nở và sức sống mãnh liệt đang lan tỏa khắp huyện đảo. Với một số đảo nổi có điều kiện còn được đầu tư xây dựng khu vực huấn luyện quân sự, sân tập thể thao… cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Cùng với đó, những lớp học, khu vui chơi cho trẻ em; trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; rồi những công trình phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng… được đầu tư xây dựng. Hiện thực đó bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của quân dân huyện đảo và chính quyền địa phương còn là công sức, tình cảm, sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của hàng chục triệu người Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Không chỉ như vậy, những chuyến thăm hỏi của lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của thành phố; những chuyến đưa người nhà cán bộ, chiến sĩ ra gặp con em đang chiến đấu, công tác tại đảo xa; tổ chức cho nhiều đoàn văn công ra biểu diễn phục vụ nhu cầu giao lưu văn hóa nghệ thuật của quân dân huyện đảo hoặc chuyển hiện vật, nhu yếu phẩm… liên tục được thực hiện. Tất cả nhằm mục đích tạo động lực, khích lệ tinh thần mạnh mẽ, tạo sự yên tâm, tin tưởng để cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những nhịp cầu giữa đất liền và huyện đảo
Với chúng tôi, được đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến những hy sinh thầm lặng, gian lao vất vả, thậm chí ẩn chứa cả trong đó hiểm nguy của quân và dân huyện đảo là một vinh dự lớn lao, mang lại những trải nghiệm thiết thực. Trên cương vị Trưởng đoàn công tác số 12 gồm 45 đại biểu là cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội cùng gần 140 đại biểu, đại diện các tỉnh, thành, cơ quan trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái xúc động cho biết: Trường Sa đã để lại những cảm xúc mạnh mẽ và ấn tượng.
Có chứng kiến tận mắt những đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn hiên ngang, vững chãi giữa trùng khơi, ngày đêm gồng mình đương đầu với thời tiết khắc nghiệt mới thấy hết sự hy sinh và tấm lòng quả cảm, yêu nước của những con người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số họ, nhiều người còn rất trẻ, tuổi đời mới đôi mươi, còn vẹn nguyên nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò với bao lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Lại có những sĩ quan đã có thâm niên gắn bó với "đất nước nơi đầu sóng" hàng chục năm trời. Rồi những cặp vợ chồng tình nguyện xa đất liền, xây dựng quê hương mới nơi biển đảo. Điều chung nhất ở họ là tinh thần lạc quan, đồng sức, đồng lòng giữ biển đảo quê hương, phát triển kinh tế, xây dựng Trường Sa ngày càng tươi đẹp. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan, quê Ninh Bình, nhận nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh được gần một năm cho biết, thời gian đầu mới ra đảo, chưa quen với cuộc sống giữa trùng khơi, nhưng nay thấy yêu đảo và muốn ở lại làm nhiệm vụ lâu dài. Chiến sĩ Đoàn Văn Minh, quê ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan B thổ lộ, từ khi ra đảo đến nay tròn ba tháng, đã hoàn toàn yên tâm, bởi ở đảo luôn có tình cảm ấm áp yêu thương như trong gia đình nơi quê nhà…
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội chia sẻ, dù đã biết về Trường Sa khá kỹ qua tư liệu, qua phương tiện truyền thông, nhưng có được đặt chân đến đây mới thấy hết sự hy sinh và tấm lòng quả cảm, yêu nước của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Chị Nguyễn Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết, được đến với Trường Sa, với chị không chỉ là vinh dự lớn lao mà còn là sự may mắn. Tuy bị say sóng gần như suốt hành trình, phải truyền đạm nhiều lần để giữ sức, nhiều khi, bước đi không vững, nhưng chị vẫn không bỏ qua bất cứ một điểm đảo nào đoàn đến thăm. Có mặt ở Trường Sa, chứng kiến những hy sinh, khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ, chị có được bài học trực quan sinh động nhất và cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng tinh thần đó đến với người dân Thủ đô và làm tất cả những gì có thể, để góp phần cùng Thủ đô xây dựng Trường Sa. Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho hay, ông sẽ đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các đảo chìm, nhà giàn, trước mắt là trang bị thêm xuồng máy để cán bộ, chiến sĩ thuận lợi hơn trong công tác tuần tra, canh giữ biển đảo…
Cùng chung nỗi niềm, cảm xúc, những thành viên đoàn công tác số 12 đại diện cho Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội đến với huyện đảo lần này đều thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống để "chia lửa" với Trường Sa thân yêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.