Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không xa đâu, Trường Sa ơi! - Bài 3: Điểm tựa giữa trùng khơi

Linh Nhi - Đặng Loan| 29/05/2013 06:24

(HNM) - Quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chắc giữa biển cả mênh mông với vai trò là những trạm


Chúng tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến sự sầm uất của đảo chìm Đá Tây. Đá Tây giống như một thương cảng với thuyền bè ngư dân ra vào tấp nập, những công trình nhà trạm kiên cố…

Đảo Đá Tây. Ảnh: Đặng Loan



Từ năm 2005 đến nay, đảo Đá Tây đã trở thành "ngôi nhà chung" của ngư dân ở ngư trường Trường Sa, bởi tất cả những gì cần cho chuyến đi biển dài ngày, người dân đều có thể tìm thấy ở đảo này. Ở đây, ngư dân có thể vào tránh trú mỗi khi mưa bão, biển động; có thể sửa chữa tàu thuyền hỏng hóc, mua xăng dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm và bán các loại hải sản đánh bắt được… Không phải vào bờ mỗi khi cần như trước kia, chỉ cần vài tiếng đồng hồ ghé đảo Đá Tây, tất cả nhu cầu của ngư dân đều được Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông - thành viên của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam) cung ứng đầy đủ. Đặc biệt, không chỉ xăng dầu mà ở đây ngư dân có thể mua được những mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, nước ngọt, dầu ăn… chỉ với giá tương đương ở đất liền. Thậm chí, hải sản đánh bắt được nếu không muốn mất công, tốn thời gian mang vào bờ thì ngư dân cũng có thể bán lại cho trung tâm với giá bằng giá bán ở đất liền, thanh toán bằng tiền mặt hoặc được chuyển tiền qua tài khoản cho gia đình ngư dân ở đất liền…

Đón chúng tôi trong cái nắng chiều hè gắt gỏng mang đầy hương vị mặn mòi của biển, anh Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho hay, sau khi đi vào hoạt động (tháng 5-2005), số lượng tàu ngư dân đến với trung tâm ngày càng đông. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã đón gần 100 tàu vào làm dịch vụ hậu cần, bán hàng nghìn lít dầu, cung cấp nước ngọt, cấp lương thực thực phẩm, sửa chữa tàu hỏng hóc…

Tương tự, âu thuyền ở đảo Song Tử Tây đã trở thành nơi ngư dân tránh trú khi mưa bão, hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền, cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm… Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên xã đảo Song Tử Tây, cho biết, trong cơn bão số 1 vừa qua âu tàu của đảo đã đón tiếp hàng chục lượt tàu với trên 2.000 ngư dân vào tránh trú bão… Ở đảo Trường Sa Lớn, Trung tá Phạm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ nước ngọt, khám và chữa bệnh cho hơn 400 lượt ngư dân, trong đó có 15 ca bệnh rất nặng phải điều trị hàng tháng trời…

Yên tâm bám biển


Nhiều ngư dân cho biết, khi chưa có các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, họ phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ như nhiên liệu, lương thực thực phẩm, nước ngọt... nhưng đại dương mênh mông luôn đầy bất trắc. Nhiều khi đi hàng tháng trời không gặp luồng cá, đến khi gặp được thì nhiên liệu, lương thực hết, ngư dân đành phải "dứt ruột" quay về, coi như lỗ vốn cả chuyến đi… Bây giờ, khi các trạm dịch vụ nghề cá ở quần đảo Trường Sa đã đi vào hoạt động thì họ không còn phải lo lắng nữa.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146, người đã có 6 năm gắn bó với Trường Sa cho biết, ngoài chuyện hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, điểm đặc biệt của các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá là giúp ngư dân tăng được vòng quay sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận nhờ mua bán tại biển bằng giá đất liền. Nhờ thế ngư dân có thể yên tâm tiếp tục ra khơi bám biển. Khi chúng tôi hỏi làm sao có thể kiểm soát được giá bán bằng giá đất liền thì anh cười và cho biết, thời buổi công nghệ thông tin, chỉ cần một cuộc điện thoại với người thân ở đất liền là ngư dân có thể biết rõ giá cả thị trường để quyết định bán hay không. Ngoài ra, khi mua bán ở các trung tâm dịch vụ nghề cá, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên nhờ các đơn vị thu mua có tàu chuyên dùng trang bị thiết bị bảo quản tốt hơn, nhất là với những loại hải sản có giá trị cao như cá ngừ đại dương, hải sâm… Các đảo và điểm đảo khác trên quần đảo Trường Sa như Sinh Tồn, Nam Yết, Tốc Tan, Đá Lớn, Đá Đông… đều tổ chức các nhà cứu hộ cứu nạn, nhà cộng đồng - là những nơi chăm sóc sức khỏe cho ngư dân, để ngư dân tránh trú mùa giông bão.

Những trạm hậu cần ở đại dương không chỉ cung cấp những vật dụng thiết yếu cho những chuyến đánh bắt xa bờ mà còn là điểm tựa ấm áp tình người, che chở cho ngư dân lúc bão giông, hoạn nạn… giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không xa đâu, Trường Sa ơi! - Bài 3: Điểm tựa giữa trùng khơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.